Vừa trở về từ cuộc thi cải thiện nguồn nước thế giới tại Thụy Điển với đề tài "Dùng bông gòn làm sạch dầu trên sông", nhóm học sinh THPT An Lạc Thôn của Sóc Trăng không khỏi tiếc nuối khi chưa giành được giải cao.
"Khi biết 'công trình' của mình vượt qua hơn 1.200 bài thi của các bạn trong nước để được dự thi tại Thụy Điển, chúng em rất vui nhưng cũng run lắm vì cả ba đều hạn chế về tiếng Anh. Và đó cũng là lý do khiến cho chúng em thiếu tự tin và chưa giật được giải cao trong cuộc thi quốc tế lần này", Phan Phước Duy, một trong ba em bộc bạch.
Tuy vậy, nhóm bạn trẻ miền sông nước Cửu Long này rất tự hào vì đề tài của mình đã thực sự hữu ích. Một số trạm xăng dầu ở địa phương đã áp dụng mô hình nghiên cứu của các em để làm sạch dầu cho xung quanh khu vực buôn bán của mình và thấy rất hiệu quả.
Ba học sinh trường THPT An Lạc Thôn và thày giáo hướng dẫn. (Ảnh: Tuổi Trẻ) |
Việt Nam bắt đầu có học sinh tham dự cuộc thi này từ năm 2003 với nhiều đề tài được đánh giá cao về mặt ứng dụng là: Sử dụng cây ngổ dại để làm sạch ao làng, sử dụng hỗn hợp đất sét và xơ giấy để khắc phục nạn ô nhiễm nguồn nước...
Trong buổi phát động cuộc thi lần thứ năm về cải thiện việc sử dụng và bảo vệ nguồn nước vừa diễn ra, nhà báo Nguyễn Như Mai, báo Khoa học và Đời sống, người phụ trách chấm sơ khảo các lần thi cho rằng, nếu muốn đạt giải cao, học sinh Việt Nam cần quan tâm đến những giải pháp kỹ thuật, công nghệ hơn là những vấn đề nhận thức chung chung. Theo ông, ở những lần thi trước, các bài thi của ta đa số mới chỉ dừng lại ở ý tưởng hoặc lý thuyết, chưa biến thành giải pháp thực tế hoặc nếu có lại chưa giải quyết triệt để những khúc mắc nảy sinh.
Từ ngày 15/9 đến 20/4/2008, học sinh các trường THPT hoặc trung học dạy nghề của Việt Nam dưới 20 tuổi có thể gửi bài dự thi đến Toà soạn báo Khoa học và Đời sống, 70 Trần Hưng Đạo, Hà Nội. Cá nhân hoặc nhóm đoạt giải cao nhất trong nước sẽ được tài trợ tham dự cuộc thi quốc tế tại Thuỵ Điển và nếu chiến thắng sẽ được nhận giải thưởng trị giá 5.000 USD và một bức tượng pha lê.
Minh Thùy