Hút thuốc thụ động, cũng có nguy cơ bị ung thư

Theo nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ, chỉ cần phơi nhiễm với khói thuốc lá trong 1 giờ làm việc ở các nhà hàng, quán ăn… cũng đủ để chất gây ung thư NNK tăng 6% ở những nguời không hút thuốc.

Tiến sĩ Michael Stark, thuộc Sở Y tế hạt Multnomah, bang Oregon, Hoa Kỳ, và các cộng sự đã thực hiện một nghiên cứu về hút thuốc thụ động ở các tụ điểm ăn uống, nhằm cung cấp thêm bằng chứng cho tác hại của việc phơi nhiễm với khói thuốc ở nơi làm việc.

Trong nghiên cứu này, các chuyên gia đã khảo sát mẫu nước tiểu của 84 nhân viên không hút thuốc đang làm việc tại của các nhà hàng, quán bar…, trong đó 52 người làm việc trong môi trường có khói thuốc và 32 người làm việc ở những nơi cấm hút thuốc.

Khói thuốc lá có chứa hơn 4.000 hóa chất, trong đó có ít nhất 69 chất được xác định là có khả năng gây ung thư. (Ảnh: z.about.com)

Tất cả những nhân viên này đã cung cấp mẫu nước tiểu ít nhất 4 giờ trước và sau mỗi ca làm việc. Kết quả xét nghiệm cho thấy có chất NNK trong nước tiểu của những người bị phơi nhiễm với khói thuốc. NNK là một chất sinh ung thư có liên quan đến ung thư phổi.

Trong một cuộc phỏng vấn, tiến sĩ Stark nói: “Khoảng 80% nhân viên không hút thuốc mà làm việc các tụ điểm ăn uống có khói thuốc đều có NNK trong nước tiểu, trong khi ở những nhân viên không hút thuốc làm việc ở những nơi cấm hút thuốc thì tỉ lệ này không tới 50%”.

Hơn nữa, mức tăng NNK ở những người không hút thuốc có quan hệ trực tiếp với số giờ làm việc ở những môi trường bị ô nhiễm bởi khói thuốc. Tính bình quân thì cứ mỗi giờ làm việc ở những nơi như thế, nồng độ NNK ở những người không hút thuốc tăng 6%!

Tiến sĩ Stark nhấn mạnh: “NNK là tác nhân gây ung thư có trong các sản phẩm thuốc lá và công nhân lẽ ra không nên bị phơi nhiễm với chất độc này ở bất cứ mức độ nào. Khoa học đã chứng minh nguy cơ bệnh tật từ việc hút thuốc thụ động không còn là một chuyện xa vời. Nghiên cứu này đã cho thấy NNK đã tăng cao chỉ sau một ca làm việc mà thôi”.

Theo ông, “đây là nghiên cứu đầu tiên cho thấy sự gia tăng chất NNK trong cơ thể là hậu quả của việc phơi nhiễm với khói thuốc chỉ trong 1 thời gian ngắn ở nơi làm việc, và mức tăng của chất gây ung thư này sẽ tiếp tục tăng ở những người làm việc trong môi trường có khói thuốc”.

Nhóm nghiên cứu cho biết nồng độ khói thuốc ở các nhà hàng, quán bar… cao hơn từ 2 đến 5 lần nồng độ khói thuốc trong nhà của những người hút thuốc. Trong số 84 người tham gia vào nghiên cứu này, đa số là nữ nhân viên dưới 30 tuổi, có thu nhập tương đối thấp, và khoảng 1/3 không có bảo hiểm y tế.

Khói thuốc lá do người hút thuốc thở ra có chứa hơn 4.000 hóa chất, trong đó có ít nhất 69 chất đã được xác định là có khả năng gây ung thư. Ở người lớn, việc phơi nhiễm với khói thuốc là nguyên nhân gây ung thư phổi, các bệnh tim, các bệnh nghiêm trọng về đường hô hấp, v.v… Ở trẻ sơ sinh và trẻ em, khói thuốc làm tăng những nguy cơ như: hội chứng tử vong đột ngột, có trọng lượng thấp khi sinh, nhiễm trùng đường hô hấp, nhiễm trùng tai, hen suyễn, v.v…

Tiến sĩ Stark phát biểu: “So với nhiều nhóm người khác, những người nói trên có ít điều kiện hơn để đối phó với các vấn đề về sức khỏe. Đối với phụ nữ trẻ, hút thuốc thụ động có thể làm tăng nguy cơ ung thư vú, sinh con thiếu tháng hoặc sinh con có thể trọng thấp”. Những nghiên cứu khác cũng cho thấy nguy cơ ung thư phổi tăng 20% ở những người không hút thuốc mà phải làm việc trong môi trường đầy khói thuốc. Và nhân viên ngành dịch vụ ăn uống thường bị phơi nhiễm với khói thuốc lá nhiều hơn công nhân thuộc bất cứ ngành nghề nào khác.

Ông Stark nói: “Nghiên cứu này bổ sung thêm cho những chứng cớ vững chắc và ngày càng nhiều về mức độ nguy hiểm của hút thuốc thụ động – một tình trạng mà mọi người cần nên tránh”.

Theo Hiệp hội Phổi Hoa Kỳ, hàng năm hút thuốc thụ động làm cho khoảng 3.400 người chết vì ung thư phổi và 46.000 ca tử vong vì bệnh tim ở người lớn không hút thuốc ở nước này.

Theo ông Stark, hiện chỉ có 11 bang của Hoa Kỳ có lệnh cấm hút thuốc ở tất cả các nơi làm việc. Ở những bang như Oregon, những nơi làm việc như nhà hàng và quán bar lại được miễn thi hành lệnh cấm đó. Nhóm nghiên cứu khẳng định rằng không có cơ sở nào để biện minh cho một sự miễn trừ như thế. Ông Stark nói: “Các nhà lập pháp và công chúng cần phải bảo vệ những nhân viên không hút thuốc bằng cách cấm hút thuốc ở tất cả những nơi làm việc”.

Nghiên cứu này sẽ được công bố trên ấn bản tháng 8/2007 của American Journal of Public Health (Tạp chí Y tế công cộng Hoa Kỳ).

“Các nhà lập pháp và công chúng cần phải bảo vệ những nhân viên không hút thuốc bằng cách cấm hút thuốc ở tất cả những nơi làm việc”. (Ành: msnbcmedia.msn.com)

Quang Thịnh

Theo Reuters, Science Daily, Medical News Today, VNN

Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video