Số lượng tiền xu đồ sộ xâu thành hơn 1.000 chuỗi được công nhân xây dựng phát hiện tại thành phố Maebashi.
Kho báu khổng lồ gồm 100.000 đồng xu cổ đại được khai quật trong lúc thi công ở thành phố Maebashi thuộc miền trung Nhật Bản, bao gồm mẫu vật hiếm gặp của Bán lạng, loại tiền tệ thống nhất đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc. Số tiền này có niên đại nghìn năm, được xâu thành từng chuỗi khoảng 100 đồng xu, xâu bằng dây rơm và giấu đi trong thời kỳ chiến tranh loạn lạc, Ancient Origins hôm 13/11 đưa tin.
Những đồng tiền xu trong kho báu có niên đại từ nhiều thế kỷ khác nhau. (Ảnh: Ancient Origins).
Đồng xu cổ nhất trong kho báu là một đồng tiền Bán lạng ra đời vào năm 175 trước Công nguyên, hơn 2.000 năm tuổi. Mẫu vật có đường kính 2,3 cm và dày một milimet, có một lỗ vuông rộng 7 milimet ở giữa khắc chữ Bán và chữ lạng. Kho báu tiền xu nằm ở quận Sojamachi, gần khu dân cư Nhật Bản thời Trung Cổ, hé lộ biện pháp cất giấu của cải mà tầng lớp quý tộc thường sử dụng trong thời chiến loạn.
Nhà chức trách ở Maebashi tìm thấy đoạn rơm kích thước 60 x 100 cm, chứng tỏ những đồng xu được bọc bằng thảm rơm trước khi chôn. Từ 334 đồng xu đã kiểm tra, các nhà nghiên cứu xác nhận có ít nhất 44 loại, với niên đại từ năm 175 trước Công nguyên đến năm 1265. Phần lớn có nguồn gốc từ triều Tây Hán đến triều Nam Tống. Tiền xu Bán lạng ban đầu được phát hành bởi hoàng đế Tần Thủy Hoàng vào khoảng năm 210 trước Công nguyên. Chúng được sử dụng kéo dài tới triều Tây Hán cho tới khi bị thay thế bởi tiền xu Ngũ thù vào năm 118 trước Công nguyên. Đồng xu mới nhất sản xuất vào năm 1265 chứng tỏ số tiền này được chôn dưới thời kỳ (năm 1185 - 1333).
Trải rộng một kilomet, khu vực khai quật có thể là trung tâm ở tỉnh Kozuke trong thời kỳ Kofun, từ cuối thế kỷ 3 đến thế kỷ 7, là tiền thân của tỉnh Gunma và trung tâm của hoạt động thông thương.