Ngày 16/6, một số thành phố của Malaysia đã bị bao phủ bởi khói mù từ các đám cháy rừng trên đảo Sumatra của Indonesia, gây ra mức độ ô nhiễm có hại cho sức khỏe.
Khói mù là một vấn đề xảy ra thường niên vào mùa mưa, từ tháng 5 đến tháng 9, khi gió thổi khói từ đảo Sumatra qua eo biển Malacca đến Malaysia.
Tháp đôi Petronas. (Ảnh: Wikimedia.org)
Tổng giám đốc Cục Môi trường Malaysia Halimah Hassan cho biết đã phát hiện 46 điểm nóng ở Sumatra qua vệ tinh và chỉ số ô nhiễm không khí (API) ghi nhận ở mức 101 và 129 cho thấy mức độ không khí không trong sạch gây hại cho sức khỏe tồn tại ở sáu khu vực, bao gồm hai địa điểm trong tiểu bang Malacca, cảng Port Dickson và cảng lớn nhất của đất nước, Port Klang.
Ở thủ đô Kuala Lumpur, bầu trời mờ mịt với chỉ số ô nhiễm không khí là 92, ngay dưới ngưỡng có hại cho sức khỏe. Chỉ số API từ 101-200 được coi là không trong sạch có hại cho sức khỏe, trong khi API từ 51-100 là trung bình.
Ông Halimah cho rằng khói mù là do gió mùa hướng tây thổi khói về phía Malaysia. Đám khói, chủ yếu là do các đám cháy ở Indonesia, thường có vào mùa khô, gây ảnh hưởng đến du lịch và góp phần vào vấn đề sức khỏe trong khu vực.
Ông cho biết Chính phủ Indonesia đã cấm khai phá đất bằng đốt rừng nhưng việc thực thi pháp luật không nghiêm nên lệnh cấm phần lớn bị bỏ qua.
Khói mù đạt mức tồi tệ nhất vào năm 1997-1998, gây tổn thất ước tính khoảng 9 tỷ USD cho khu vực Đông Nam Á do cản trở du lịch bằng đường hàng không và các hoạt động kinh doanh khác.