Một người phụ nữ Anh đang phải sống lánh xa các tiện nghi của đời sống hiện đại do mắc chứng bệnh hiếm gặp: dị ứng với đồ điện.
Việc mắc chứng bệnh dị ứng điện (ES) khiến bà Tunnicliffe thường trải qua các buổi tối dưới ánh nến. Ảnh: Hotspot Media.
Theo tờ Daily Mail, bà Janice Tunnicliffe, 55 tuổi, ở Nottinghamshire, Anh hiện không thể xem ti vi, nghe đài hay nấu nước bằng bếp điện để pha trà. Việc dị ứng với điện của bà mẹ 2 con này nghiêm trọng đến mức những người hàng xóm quanh gia đình bà cũng phải ngưng sử dụng Internet không dây.
Vào buổi tối, bà Tunnicliffe thường giải trí bằng cách chơi các trò board game (một thể loại trò chơi nhóm, thường từ 2 người trở lên, trên những chiếc bàn gỗ) dưới ánh nến, tránh bật đèn điện hoặc sử dụng tủ lạnh, máy tính và điện thoại di động.
Bà Tunnicliffe đang sử dụng một máy dò phát hiện trường điện từ. Người phụ nữ này nói công nghệ hiện đại khiến bà bị ốm sau quá trình hóa trị liệu bệnh ung thư. Ảnh: Hotspot Media.
Bà Tunnicliffe nói, một quá trình hóa trị liệu trong lúc điều trị bệnh ung thư ruột cách đây 3 năm đã khiến bà mắc một chứng bệnh hiệm gặp có tên là nhạy cảm với điện. Chứng bệnh này gây ra những phản ứng nghiêm trọng đối với trường điện từ do các thiết bị điện phát ra.
Trong 3 năm phát bệnh, bà đã hứng chịu vô số cơn đau đầu, đau ngực, buồn nôn và ngứa ran ở tay, chân bất cứ khi nào ở gần bất kỳ thiết bị phát ra trường điện từ. Chứng bệnh chỉ thuyên giảm khi ngôi làng Wellow bà đang sống bị cắt điện. Các cửa sổ ngôi nhà tranh ba phòng ngủ của bà được che chắn bằng kim loại cách nhiệt để làm chệch hướng các sóng điện từ. Bà cũng dành các ngày cuối tuần đi cắm trại ở vùng nông thôn với chồng mình để "tách hoàn toàn" khỏi vật dụng điện.
Các cửa sổ nhà bà Tunnicliffe hiện được che chắn bằng kim loại cách nhiệt để làm chệch hướng các sóng điện từ có thể gây hại tới sức khỏe của bà. Ảnh: Daily Mail.
Bà Tunnicliffe tiết lộ đã học được cách tự mình kiểm soát chứng bệnh nhờ lánh xa thiết bị điện sau khi nhận được sự cảm thông chút ít của các bác sĩ nội khoa nhưng bị từ chối bảo hiểm chữa trị tại một bệnh viên tư chuyên về bệnh nhạy cảm với điện (ES).
Graham Lamburn, một thành viên thuộc tổ chức Powerwatch chuyên nghiên cứu về các tác động của trường điện từ, cho biết 3-4% dân số Anh thông báo nhạy cảm với điện nhưng hiếm người nào hứng chịu chứng bệnh tới mức nặng như bà Tunnicliffe.
Trong khi nhà chức trách tại các nước như Thụy Điển và Thụy Sỹ đã công nhận chứng bệnh ES nhưng Cơ quan bảo vệ sức khỏe Anh tuyên bố, các xét nghiệm khoa học đã không thể thiết lập mối liên hệ giữa sóng radio với sự suy yếu sức khỏe. Nhiều bác sĩ tại đảo quốc sương mù tin chứng bệnh này có thể bắt nguồn từ sự căng thẳng tâm lý.