Lạc đà có thể giúp ngăn chặn khủng bố sinh hóa

Nếu các phần tử khủng bố có ý định sử dụng vi khuẩn hay hóa chất độc hại để tấn công, người ta khó mà tìm ra chúng. Tuy nhiên, những kháng thể có trong máu của lạc đà không bướu có thể phát hiện nhanh chóng các loại "vũ khí" này.

Các nhà nghiên cứu tại Trung tâm thí nghiệm hải quân Mỹ tại Washington đã thử nghiệm với các kháng thể, được coi như những "viên đạn thần" trong hệ thống phòng thủ của cơ thể sinh vật.

Mỗi kháng thể được cấu thành từ những phân tử protein phức tạp có khả năng bám chặt vào một mục tiêu nhất định. Các tế bào miễn dịch trong máu và bạch cầu sử dụng kháng thể để xác định các phân tử lạ xâm nhập vào cơ thể. Nếu phát hiện ra "kẻ thù", chúng sẽ tấn công tiêu diệt hoặc trực tiếp bám vào các phân tử lạ để vô hiệu hóa.

Các nhà khoa học thường xuyên phát triển các loại kháng thể để sản xuất thuốc chống ung thư và các bệnh khác. Ngoài ra, chúng cũng có thể được sử dụng trong các cảm biến giúp phát hiện sự có mặt của các hóa chất và vi khuẩn có hại. Thật không may, các kháng thể đang được sử dụng hiện nay dễ bị phân hủy ở nhiệt độ cao, khiến cho việc ứng dụng chúng ở thực địa trở nên hạn chế.

Ellen Goldman, nhà hóa học của Trung tâm thí nghiệm hải quân Mỹ, và nhà virus học Andrew Hayhurst tại Hiệp hội nghiên cứu sinh hóa Southwest đã tìm hiểu kháng thể của lạc đà không bướu. Những nghiên cứu trước đây cho thấy vùng bám dính trên kháng thể của lạc đà không bướu, lạc đà có bướu và cá mập thường nhỏ, chỉ bằng khoảng một phần mười vùng bám dính trên kháng thể người.


Loại lạc đà không bướu ở Peru (Ảnh: LiveScience)

Ở đa số động vật, phân tử kháng thể được tạo thành từ 4 chuỗi polypeptide, gồm hai chuỗi nặng giống hệt nhau và hai chuỗi nhẹ cũng giống hệt nhau. Nhưng kháng thể của lạc đà không bướu, lạc đà có bướu và cá mập chỉ có hai chuỗi nặng, không có hai chuỗi nhẹ. Do có cấu tạo đơn giản hơn nên chúng bền vững hơn kháng nguyên của các động vật khác, có thể chịu được nhiệt độ lên tới 200 độ Fahrenheit (93,3 độ C).

Nhóm nghiên cứu đã tạo ra được hơn một tỷ loại kháng thể trong phòng thí nghiệm dựa trên những gene lấy từ mẫu máu của lạc đà không bướu. Sau khi tiến hành thử nghiệm khả năng chống vi khuẩn và hóa chất, họ phát hiện ra rằng chúng có thể xác định chính xác vi khuẩn gây bệnh dại, dịch tả, đậu mùa và ricin, một loại hóa chất độc hại, trong nhiều ngày liên tục.

"Chúng tôi quan tâm tới việc chế tạo các cảm biến sinh học để phát hiện những hiểm họa sinh hóa và những kháng thể này sẽ rất có ích, bởi chúng bền vững hơn và không cần môi trường lạnh để tồn tại như các kháng thể khác", Goldman phát biểu.

Các nhà khoa học nhấn mạnh rằng họ chưa có khả năng phân lập các kháng thể có ích ra khỏi các phân tử hóa học hay vi khuẩn nguy hiểm. Goldman khẳng định những kháng thể mà họ thử nghiệm luôn thành công trong việc bám chặt vào mục tiêu, nhưng ông và cộng sự sẽ tìm ra các kháng nguyên có khả năng bám chặt hơn.

Việt Linh

Theo LiveScience, Vnexpress
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video