Những trái dâu dại hay mọc ở những vùng đầm lầy, khu vực Đông của Bắc Mỹ, có thể có tác dụng trong thúc đẩy các liệu pháp trị ung thư. Đây là kết luận của nghiên cứu được đăng tải trên Tạp chí Clinical Pathology của Mỹ.
>>> Giải mã được trình tự gene của ung thư tuyến tụy
Trong bài viết, nhóm nhà khoa học, thuộc Đại học Southampton và Bệnh viện King’s College, London, cho rằng quả dâu dại có thể phát huy tác dụng khi hết hợp với các loại thuốc điều trị để diệt trừ nhiều tế bào ung thư hơn.
Cụ thể, nhóm nghiên cứu đã dùng chiết xuất từ quả dâu dại thử nghiệm trên các mẫu ung thư tụy. Kết quả cho thấy sau khi chiết xuất dâu dại được sử dụng cùng với thuốc điều trị ung thư gemcitabine, nhiều tế bào ung thư đã bị diệt trừ hơn so với chỉ dùng thuốc.
Những trái dâu dại hay mọc ở những vùng đầm lầy, khu vực Đông của Bắc Mỹ.
Từ đó, nhóm nghiên cứu tin rằng những hợp chất, có tên polyphenols, có trong những quả dâu dại chính là yếu tố làm giảm số lượng tế bào gây hại.
Tuy vậy, những thử nghiệm của nhóm nghiên cứu mới chỉ được tiến hành trên những tế bào ung thư trong phòng thí nghiệm.
Ông Henry Scowcroft, thuộc Viện nghiên cứu ung thư Vương quốc Anh, cho rằng hiện còn quá sớm để kết luận rằng những chất hóa học chiết xuất từ quả dâu dại có tác dụng thực sự trong điều trị ung thư tuyến tụy.
“Điều cần thiết hiện nay là thử nghiệm tính hiệu quả của quả dâu dại, đặc biệt là thử nghiệm ở người. Các phương pháp đổi mới đang rất cần thiết để cải thiện điều trị cho những bệnh nhân mắc ung thư tuyến tụy”, ông Scowcroft nói.
Nhà khoa học Bashir Lwaleed - giảng viên lâu năm tại Đại học Southampton, đứng đầu nghiên cứu, cho biết: “Chúng tôi mới ở giai đoạn thử nghiệm. Chúng tôi cần tiến hành thêm nhiều nghiên cứu để hiểu rõ sự kết hợp giữa thuốc trị ung thư và quả dâu dại”.
Ung thư tuyến tụy là bệnh ung thư đặc biệt khó điều trị. Thời gian sống của bệnh nhân chỉ kéo dài được trung bình 6 tháng kể từ ngày phát hiện bệnh.
Tiêu đề đã được khoahoc.tv đổi lại.