Xu hướng hiện tại của các quốc gia trên thế giới là tăng cường sử dụng năng lượng "sạch" - nghĩa là đến từ các nguồn có khả năng tái tạo như gió, Mặt trời, nước hoặc địa nhiệt, đồng thời giảm thiểu năng lượng hóa thạch từ dầu mỏ, than đá, khí đốt...
Và với người Anh, quá trình này vừa có một thành quả vượt bậc: ở quý thứ 3 năm 2019, lượng điện sản xuất được từ các nguồn tái tạo đã cao hơn từ các nhà máy sử dụng năng lượng hóa thạch.
Ở Anh, điện sản xuất từ năng lượng tái tạo đã cao hơn năng lượng hóa thạch.
Đây là thông tin chưa chính thức và cần được xác nhận lại, nhưng nếu đúng thì đây là lần đầu tiên sau 137 năm nước Anh làm được điều đó, kể từ khi nhà máy điện đầu tiên được thành lập vào năm 1882.
Cụ thể theo bản báo cáo mới nhất thì trong giai đoạn tháng 7 - 9/2019, lượng điện sản xuất từ các nguồn tái tạo chiếm tới 40% tổng sản lượng điện của Anh Quốc, trong khi điện từ khí đốt chỉ chiếm 39%. 21% còn lại là từ các nhà máy năng lượng nguyên tử.
Theo trang Carbon Brief, dĩ nhiên nếu các nhà máy điện hóa thạch hoạt động hết công suất thì điện tái tạo cũng không thể so bì, nhưng điều này vẫn tạo ra hy vọng cho tương lai. Được biết, dịch vụ điện gió mới được đưa lên nền tảng internet, và điều này đẩy mạnh nhu cầu sử dụng của người dân.
Nhà máy nhiệt điện từ than cũng chuẩn bị đóng cửa hoàn toàn vào năm 2025 ở Anh.
Chỉ mới 10 năm trước, điện từ các nhiên liệu hóa thạch chiếm đến 4/5 tổng sản lượng của Anh Quốc, vậy mà tình hình đang thay đổi rất nhanh. Tháng 5/2019, thậm chí quốc gia này có đến 6 ngày không đốt bất kỳ cục than đá nào. Mà thực tế thì nhà máy nhiệt điện từ than cũng chuẩn bị đóng cửa hoàn toàn vào năm 2025.
Quá trình phát triển của ngành điện tái tạo sẽ là một tín hiệu đáng mừng cho nhân loại.
Câu chuyện điện tái tạo của người Anh vẫn còn một số vấn đề, bởi 12% số này đến từ việc đốt các vật liệu sinh học và gỗ. 2 nhiên liệu này xét trên nhiều góc độ thì không phù hợp với tiêu chí tái tạo, bởi trồng lại cây cần nhiều thời gian.
Dù vậy, thành tựu này cũng góp phần đưa quốc gia tách ra khỏi thời kỳ "Cách mạng công nghiệp" đã từng khiến CO2 trong khí quyển tăng một cách chóng mặt, và đồng thời tạo ra một nền tảng cho tương lai. Trên thực tế, nước Anh không đóng góp quá nhiều vào mật độ CO2 có trong khí quyển, nhưng cũng hy vọng rằng những quốc gia khác có thể học theo và đưa Trái đất trở thành một "hành tinh xanh" đúng nghĩa.
Theo Luke Clark, giám đốc đối ngoại của cục năng lượng tái tạo Anh Quốc, quá trình phát triển của ngành điện tái tạo sẽ là một tín hiệu đáng mừng cho nhân loại, cũng như... tiền điện người Anh.
"Chi phí sản xuất điện gió chẳng hạn, đang giảm xuống thấp nhất từ trước đến nay, giúp chúng ta sản xuất điện ở quy mô lớn với mức giá rẻ hơn".