Loài chim bồ câu khổng lồ bị con người săn bắn tới mức tuyệt chủng

Chim bồ câu Tongoenas burleyi sống trên những hòn đảo Thái Bình Dương trong 60.000 năm, nhưng chúng biến mất chỉ 1-2 thế kỷ sau khi con người xuất hiện.

Khác với chim dodo và chim bồ câu khổng lồ Viti Levu đã tuyệt chủng ở Fiji, T. burleyi có thể bay. Loài vật cư trú dưới tán cây này tiến hóa cùng với những cây ăn quả trong họ xoài, ổi và xoan, giúp trồng rừng bằng cách phát tán hạt giống tới địa điểm mới. Khi con người xuất hiện khoảng 2.850 năm trước, khoảng 1 - 2 thế kỷ sau, loài bồ câu này biến mất.


Chim bồ câu Tongoenas burleyi sống trên cây. (Ảnh: Phys.org).

Với kích thước to ngang một con vịt, T. burleyi có thể nuốt quả to bằng trái bóng tennis, theo trưởng nhóm nghiên cứu David Steadman, chuyên gia điểu học ở Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Florida, Mỹ. "Một số cây có quả lớn, nhiều thịt, phù hợp để một con bồ câu lớn nuốt chửng và rải hạt. Trong số những loài bồ câu ăn quả, T. burleyi có kích thước lớn nhất", Steadman cho biết. Việc T. burleyi biến mất khỏi quần đảo Tonga có thể đe dọa sự tồn tại của các loài cây địa phương phụ thuộc vào bồ câu để vận chuyển hạt giống, theo đồng tác giả nghiên cứu Oona Takano, nghiên cứu sinh tiến sĩ ở Đại học New Mexico, Mỹ.

Khi Steadman tìm thấy hóa thạch T. burleyi trong một hang động ở đảo 'Eua thuộc quần đảo Tonga, ông lập tức ấn tượng với kích thước của nó. Con chim dài khoảng 51 cm chưa kể phần đuôi và nặng ít nhất gấp 5 lần chim bồ câu thông thường. Steadman và nhà khảo cổ học David Burley ở Đại học Simon Fraser, Canada, bắt tay vào khai quật những mẩu xương bị vỡ của T. burleyi, họ lập tức biết loài chim này tuyệt chủng do con người.

Họ Bồ câu (Columbidae) có rất ít động vật ăn thịt hoặc đối thủ cạnh tranh trước khi con người tới các hòn đảo Thái Bình Dương. Khu vực này không có động vật linh trưởng và loài ăn thịt như mèo, chó và chồn. Chim ưng và cú cũng vắng bóng trên nhiều hòn đảo. Bồ câu phát triển mạnh trong môi trường thuận lợi này, phân hóa trong 30 - 40 triệu năm qua.

Steadman và Takano phân tích đặc điểm chân của họ Bồ câu và chia chúng thành 3 nhóm gồm loài sống trên cây, loài sống dưới đất và loài sống ở cả hai nơi. Chim bồ câu sống phần lớn thời gian dưới tán cây có chân ngắn, phù hợp để đậu và bám chặt vào cành khi gió to. Những loài lần mò tìm hạt trên nền đất có chân dài hơn, thích nghi với hoạt động đi lại và chạy. Cấu tạo chân tương đối ngắn của T. burleyi cho thấy đây là loài sống dưới tán cây. Steadman cho rằng chúng có bộ lông rực rỡ hơn bồ câu màu nâu và xám sống trên mặt đất.

Cập nhật: 24/07/2020 Theo VnExpress
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video