Loài người biết nói nhờ đột biến gene

Hiện tượng đột biến trong một gene giúp con người phát triển tiếng nói và ngôn ngữ.

Giới khoa học chưa tìm ra bất kỳ lời giải thích nào về khả năng phát triển ngôn ngữ của loài người trên phương diện di truyền. Nhưng BBC cho biết, vào năm 1990, các chuyên gia tại Mỹ nghiên cứu một gia đình mắc bệnh rối loạn ngôn ngữ và phát hiện ra rằng gene FOXP2 của họ bị đột biến. Từ đó tới nay người ta tiếp tục tìm thấy phiên bản đột biến của FOXP2 trong nhiều loài động vật có xương sống.

Một nghiên cứu đối với ADN của người Neanderthal (một chi người đứng thẳng đã tuyệt chủng) cho thấy họ cũng mang phiên bản đột biến của FOXP2.

Tinh tinh (vượn) có gene FOXP2, song chúng lại không có ngôn ngữ. Vì thế các chuyên gia về di truyền của Đại học California (Mỹ) quyết định tìm hiểu hai phiên bản gene FOXP2 ở người và tinh tinh để tìm hiểu sự khác biệt.

Họ nhận thấy cấu trúc của FOXP2 ở tinh tinh và người có sự khác biệt nhỏ ở hai amino axit – đơn vị cấu trúc cơ bản của protein và gene.

Các phân tích sau đó chỉ ra rằng gene FOXP2 của người bắt đầu thay đổi trong giai đoạn chúng ta phát triển tiếng nói. Daniel Geschwind - giáo sư thần kinh, tâm thần và di truyền người của Đại học California - cho rằng tinh tinh, loài động vật gần gũi nhất với con người, không thể phát triển tiếng nói do gene FOXP2 của chúng không thay đổi.

FOXP2 tạo ra một loại protein cùng tên. Protein này có nhiệm vụ bật, tắt hoặc điều khiển hoạt động của hàng trăm gene khác.

Nhóm nghiên cứu đưa phiên bản FOXP2 của tinh tinh và người vào các tế bào thần kinh. Sau đó họ theo dõi tất cả những gene được bật lên bởi protein FOXP2. Kết quả cho thấy phiên bản gene FOXP2 ở người gây nên những tác động đối với 116 gene. Song những tác động ấy lại không xảy ra ở gene của tinh tinh.

Người và tinh tinh cùng có gene FOXP2, nhưng gene của người bắt đầu biến đổi khi tiếng nói của chúng ta phát triển. Ảnh: Livescience.


Nhiều nghiên cứu trước đây chỉ ra rằng FOXP2 tham gia vào quá trình phát triển của tiếng nói, nhưng giới khoa học chưa biết liệu nó có tác động tới những bộ phận liên quan tới ngôn ngữ trong não hay không. Nhưng trong số 116 gene chịu tác động của FOXP2 có ít nhất một gene điều khiển sự phát triển của những vùng não xử lý khả năng nhận thức. Nói cách khác, FOXP2 không chỉ là một “gene ngôn ngữ”. Nó còn có thể tham gia vào nhiều dạng tư duy cao cấp chỉ có ở người.

“FOXP2 thực sự có vai trò quan trọng đối với những khác biệt giữa người và tinh tinh. Nếu gene này thay đổi, tiếng nói và ngôn ngữ của chúng ta sẽ trở nên hỗn loạn”, tiến sĩ Geschwind giải thích.

Tuy nhiên, một số chuyên gia khác lại tỏ ra thận trọng khi đề cập tới vai trò của gene FOXP2. Marc Hauser, giáo sư sinh học tiến hóa người của Đại học Harvard (Mỹ), cho rằng còn quá sớm để kết luận đột biến ở gene FOXP2 gây nên những cản trở về ngôn ngữ và tiếng nói.

Derek Bickerton, giáo sư ngôn ngữ của Đại học Hawaii (Mỹ), cho rằng câu hỏi quan trọng nhất không phải: “Con người có tiếng nói bằng cách nào?” mà là: “Tại sao chúng ta có tiếng nói?”.

Bickerton cho rằng khả năng nói không hề đến với con người một cách tự nhiên.

“Mọi loài động vật đều tồn tại và tiến hóa tốt dù không có ngôn ngữ. Như vậy chứng tỏ tiếng nói của loài người xuất hiện vì một nhu cầu nào đó mà những loài khác không có”, ông kết luận.
Theo VnExpress
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video