Con người có thể nói được và sử dụng một thứ ngôn ngữ riêng xuất phát từ nguyên nhân nào vẫn là một câu hỏi đầy thách thức với giới khoa học.
Cách đây 120.000 năm, tại khu vực Oued Djebbana (phía bắc Algeria ngày nay), con người đã bắt đầu sử dụng những vỏ sỏ vốn xuất hiện nhiều tại khu vực Địa Trung Hải để xâu chúng lại thành một thứ đồ trang sức kỳ lạ. Nhưng điều khiến nhiều nhà nhân chủng học chú ý là vị trí của Oued Djebbana: 200km tính từ khu vực bờ biển gần nhất.
Ngay lập tức, các chuyên gia khảo cổ và nhân chủng học đã hợp sức nghiên cứu và đi đến kết luận những vỏ sỏ này không phải là đồ trang sức mà chính là một dạng "tiền mặt" lúc đó dùng để trao đổi giữa các bộ tộc tại Châu Phi lúc đó. Lúc này một câu hỏi được đặt ra là: Làm thế nào để tổ tiên chúng ta có thể giao tiếp với nhau khi mà phải ít nhất 115.000 năm sau những văn tự chữ viết đầu tiên mới ra đời? Câu trả lời được nhiều chuyên gia đồng tình chính là loài người đã hình thành một thứ âm thanh riêng của mình để giao tiếp, hay về sau nó được gọi là "ngôn ngữ".
Giáo sư Mark Pagel thuộc trường đại học Reading, vốn là chuyên gia nghiên cứu về sự tiến hóa của con người, cho biết tất cả các loài vậy đều có những hình thái giao tiếp bằng âm thanh riêng từ tiếng gầm gừ, tiếng hú, tiếng đập ngực hay tiếng dậm chân... Mỗi âm thanh biểu hiện cho một ý muốn riêng của cá thể đối với những đối tượng khác trong cùng một loài và con người cũng không nằm ngoài phạm trù này. Nhưng khác với những loài vật khác, con người lại tỏ ra vượt trội hơn nhờ bộ não của chúng ta phát triển hơn rất nhiều và nhờ đó chúng ta có nhận thức tốt hơn về thế giới xung quanh.
Ngoài ra, giáo sư nhận thức học và ngôn ngữ học Philip Lieberman thuộc đại học Brown (Hoa Kỳ) cho biết điểm mấu chốt của việc con người có "tiếng nói riêng" là việc phần miệng của chúng ta đã tiến hóa cách đây khoảng 100.000 năm khi chúng trở nên nhỏ hơn và không nhô ra như trước đó. Loài người lúc này đã có một chiếc lưỡi linh hoạt hơn và thanh quản cũng dần dần được phát triển một cách rõ rệt. Thêm vào đó, thanh quản của con người cũng bắt đầu phát ra những âm thanh có tần số riêng biệt mà chỉ trong nội bộ loài mới hiểu.
Trong một nghiên cứu năm 2009, các nhà khoa học Mỹ đã xác định đột biến gen FOXP2 là nguyên nhân giúp loài người biết nói.
Kết quả nghiên cứu công bố trên tạp chí "Tự nhiên" cho biết đột biến gen này đã giúp loài người phát triển được khả năng ngôn ngữ và nói, mặc dù đây không phải là lý do duy nhất giúp con người biết nói.
Các nhà khoa học đã phát hiện con người có hơn 100 gen khác biệt so với loài vượn, họ hàng gần gũi nhất của loài người, đặc biệt gen FOXP2 có cấu trúc và hoạt động hoàn toàn khác nhau ở loài vượn và loài người. Qua thời gian, gen này đã biến đổi để giúp loài người phát triển khả năng nói.
Giáo sư Daniel Geschwind, một chuyên gia về thần kinh học, tâm thần học và di truyền học tại trường Đại học California (Mỹ), cho biết đột biến gen FOXP2 đóng vai trò rất lớn tạo sự khác biệt giữa loài người và loài vượn.
Theo các nhà khoa học, trong quá trình tiến hóa từ vượn, gien FOXP2 ở người đã trải qua hai quá trình đột biến quan trọng. Có lẽ nhờ đó mà loài người dần phát triển được một hệ thống phát âm phức tạp, cho phép diễn đạt sự vật và hiện tượng. Những phân tích về xương hàm, khoang miệng và răng của người tiền sử cho thấy con người có thể đã biết nói từ cách đây trên 130.000 năm. Tuy nhiên, đến nay, người ta vẫn chưa thể xác định được thời điểm hình thành ngôn ngữ.
Đây không phải là lần đầu tiên, các nhà khoa học phát hiện vai trò của gien FOXP2 đối với khả năng nói ở con người. Trước đây, một nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Oxford (Anh) cũng đã nhận thấy gen này có liên quan đến quá trình hình thành ngôn ngữ ở người và một số loài vật. Các nhà nghiên cứu tìm thấy gen này trong rất nhiều loài chim biết học tiếng, trong đó có chim sẻ, chim yến và chim ruồi.../.
Nguồn gốc ngôn ngữ của loài người là chủ đề học thuật được thảo luận trong nhiều thế kỷ. Mặc dù vậy, không đạt được sự thống nhất về nguồn gốc hay tuổi của ngôn ngữ loài người. Một vấn đề làm cho các chủ đề rất khó nghiên cứu là việc thiếu bằng chứng trực tiếp. Do đó, các chuyên gia có nhu cầu nghiên cứu về nguồn gốc của ngôn ngữ phải rút ra kết luận từ các loại chứng cứ khác như hóa thạch, bằng chứng khảo cổ học, sự đa dạng ngôn ngữ hiện đại, nghiên cứu về ngôn ngữ, và những so sánh giữa ngôn ngữ của con người và các hệ thống thông tin liên lạc hiện có các loài động vật khác (đặc biệt là các loài linh trưởng).
Nhiều người cho rằng nguồn gốc của ngôn ngữ có thể liên quan chặt chẽ đến nguồn gốc của hành vi con người hiện đại, nhưng có rất ít đồng thuận về những tác động và định hướng của kết nối này. Sự thiếu hụt bằng chứng trực tiếp đã khiến nhiều học giả coi toàn bộ chủ đề này là không phù hợp cho một nghiên cứu nghiêm túc. Năm 1866, Hiệp hội ngôn ngữ học Paris cấm mọi cuộc tranh luận về vấn đề này, một lệnh cấm có ảnh hưởng đến hầu khắp các nước phương Tây cho đến cuối thế kỷ 20.
Ngày nay có nhiều giả thuyết về "thế nào, tại sao, khi nào, nơi nào" ngôn ngữ có thể đã xuất hiện. Mặc dù vậy, sự đồng thuận xem ra hiếm hơn thời một trăm năm trước đây, khi thuyết tiến hóa của chọn lọc tự nhiên của Charles Darwin gây nên một loạt những suy đoán "trong phòng kính" về chủ đề này. Tuy nhiên từ đầu những năm 1990 một số nhà ngôn ngữ học, khảo cổ học, tâm lý học, nhân chủng học, và những người khác đã cố gắng tìm cách giải quyết "vấn đề khó khăn nhất trong khoa học" này với các phương pháp mới. Lưu ý rằng thuyết tiến hóa nhìn nhận sự phát triển của ngôn ngữ như là một mốc quan trọng trong sự phát triển của con người.