Loài vật nào sẽ tồn tại trên Trái đất sau cùng?

Các nhà nghiên cứu dự đoán gấu nước sẽ là sinh vật cuối cùng còn sót lại trên Trái đất khi chiến tranh hạt nhân hoặc sự kiện vũ trụ như vụ nổ tân tinh phá hủy hành tinh.

Sự sống đã tồn tại trên Trái đất ít nhất 3,7 tỷ năm. Tuy nhiên, trong tương lai Trái đất có thể chỉ còn sót lại một loài duy nhất. Đó không phải gián hay bọ cạp, cũng không phải con người, mà nhiều khả năng là loài gấu nước nhỏ bé, theo IFL Science.


Gấu nước nổi tiếng là sinh vật sống dai nhất trên Trái đất. (Ảnh: Science Photo Library)

Một mối đe dọa nghiêm trọng đối với sự sinh tồn của mọi sinh vật sống là vũ khí hạt nhân. Sau chiến tranh, bụi phóng xạ sẽ lan khắp toàn cầu. Đồng thời, muội than từ vụ nổ bom sẽ bay vào khí quyển, tạo ra mùa đông hạt nhân, thời kỳ tối tăm và lạnh giá kéo dài. Điều này có thể khiến nền tảng của hệ sinh thái sụp đổ thông qua ngăn chặn quang hợp, dẫn tới nhiều động vật chết đói. Các nhà nghiên cứu chỉ ra sự sống ở một số nơi trên hành tinh có thể sống sót trong chiến tranh hạt nhân một thời gian, dù con người không còn tồn tại. Trong số đó có những động vật không xương sống bền bỉ như gián và bọ cạp cũng như vi sinh vật.

Ở quy mô rộng lớn hơn, mối đe dọa từ những sự kiện vật lý thiên văn như chớp tia gamma, va chạm tiểu hành tinh lớn và vụ nổ siêu tân tinh có khả năng tiêu diệt hiệu quả sự sống trên địa cầu. Ví dụ, vụ nổ siêu tân tinh sẽ trút lượng lớn bức xạ vũ trụ lên Trái đất, phá hủy tầng ozone chuyên ngăn tia cực tím độc hại từ Mặt trời. Năm 2017, các nhà khoa học ở Đại học Oxford và Harvard nghiên cứu độ bền bỉ của sự sống trước sự kiện vật lý thiên văn. Họ kết luận động vật duy nhất có thể thoát khỏi nguy cơ tuyệt chủng từ mọi thảm họa vật lý thiên văn là gấu nước.

"Chúng tôi rất bất ngờ khi phát hiện dù vụ nổ siêu tân tinh ở gần hay va chạm tiểu hành tinh lớn sẽ gây ra thảm họa cho nhân loại, gấu nước có thể không bị ảnh hưởng. Vì vậy, số lượng khổng lồ các loài, hay thậm chí toàn bộ giống loài có thể tuyệt chủng, nhưng sự sống vẫn tiếp diễn", tiến sĩ David Sloan, đồng tác giả nghiên cứu năm 2017 kiêm trợ lý nghiên cứu ở khoa Vật lý của Đại học Oxford, cho biết.

Gấu nước là động vật vi sinh 8 chân nổi tiếng với là sinh vật sống dai nhất hành tinh. Trên cây phân loại, chúng không phải vi khuẩn, amip, cổ khuẩn hay nấm. Để vượt qua môi trường khắc nghiệt, sinh vật nhỏ bé này tiến vào trạng thái ngủ đông sâu gọi là cryptobiosis (trạng thái ngừng chuyển hóa vật chất", khử hơn 95% nước khỏi cơ thể và cuộn tròn thành quả cầu. Chúng có thể sống sót ở nhiệt độ thấp tới -272,95 độ C và cao tới 150 độ C, cũng như áp suất cực hạn và bức xạ mạnh. Gấu nước thậm chí có thể sống trong chân không vũ trụ và có thể chịu vụ nổ siêu tân tinh.

Tuy nhiên, sự sống trên Trái đất sẽ chấm dứt với cái chết của Mặt trời. Mặt trời sẽ bắt đầu chết trong khoảng 5 tỷ năm tới khi cạn kiệt hydro. Khi tiến dần đến giai đoạn tiếp theo là sao khổng lồ đỏ, Mặt trời sẽ mở rộng, trở nên lớn đến nỗi nuốt chửng những hành tinh gần nhất là sao Thủy, sao Kim và tiếp theo là Trái đất. Trong quá trình đó, Trái đất sẽ nóng lên và chìm trong bức xạ mạnh. Đại dương sẽ bay hơi và khí quyển mất đi, để lại quang cảnh khô cằn nóng cháy. Ngay cả gấu nước cũng sẽ không sống sót trong điều kiện đó.

Cập nhật: 15/05/2024 VnExpress
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video