Một sự kiện mà các nhà thiên văn học gọi là "chỉ có 1 lần trong đời" sắp xảy ra. Sao Bắc Miện T sắp sửa rọi sáng bầu trời trong những ngày sắp tới.
Lần gần đây nhất sao Bắc Miện T, còn được gọi là "Ngôi sao Rực lửa", bùng nổ là vào năm 1946. Thực ra, đây là một hệ nhị phân gồm 2 ngôi sao ở cách xa Trái đất 3.000 năm ánh sáng. Hệ sao này là một tân tinh tái diễn và chúng ta có thể quan sát được từ Trái đất cứ sau mỗi 79-80 năm.
Lần xuất hiện vào năm 1946, vụ nổ này bao gồm hoạt động của một ngôi sao khổng lồ màu đỏ cực nóng và một ngôi sao lùn trắng, lạnh. Nó được dự báo sẽ tái diễn vào tháng 9/2024.
Hệ sao này nằm trong chòm sao Bắc Miện (Northern Crown), một vòng cung hình móng ngựa gồm các ngôi sao ở phía tây của chòm sao Xà Phu (Hercules). Người quan sát sao có thể tìm ra nó nằm ở giữa hai ngôi sao sáng là sao Chức Nữ (Vega) và sao Đại Giác (Arcturus).
Khi vụ nổ này quan sát được từ Trái đất, nó sẽ là một cảnh tượng vô cùng đẹp mắt và hiếm có. Ngày và thời gian chính xác của vụ nổ vẫn chưa được xác định, nhưng theo Giáo sư vật lý thiên văn Bradley Schaefer ở Trường đại học bang Louisiana, Mỹ, thì các dấu hiệu "sụt giảm trước khi phun trào" hiện tại cho thấy vụ nổ sắp sửa xảy ra.
"Sự sụt giảm trước khi phun trào" là một hiện tượng độ sáng giảm đột ngột mà một số thiên thể trải qua khoảng một năm trước khi phun trào. Vào tháng 2/2023, Liên hiệp các Nhà quan sát sao biến quang Mỹ (AAVSO) công bố sao Bắc Miện T đã bắt đầu mờ đi.
Sơ đồ các sao Chức Nữ, Xà Phu Bắc Miện, Đại Giác trên bầu trời (Ảnh: NASA).
Sao Bắc Miện T thường có độ sáng biểu kiến +10, mà theo NASA là "quá yếu để nhìn được bằng mắt thường", nhưng sẽ tăng lên thành +2 trong vụ nổ.
Theo Giáo sư Schaefer, người đã dành hàng chục năm nghiên cứu về ngôi sao này, thì cơ hội để chúng ta nhìn thấy vụ nổ lần này bằng mắt thường là cực kỳ rõ ràng. Ông nói rằng "thực sự nó giống như một quả bom nhiệt hạch hydro giống như trong phim Oppenheimer".
Theo NASA, sự khác biệt giữa các sự kiện tân tinh và siêu tân tinh là trong một vụ tân tinh tái diễn, ngôi sao lùn vẫn còn nguyên vẹn trong vụ nổ. Ngược lại, một vụ siêu tân tinh xảy ra khi một ngôi sao chết tan rã trong một vụ phun trào cuối cùng.
Có một số tân tinh tái diễn với chu kỳ rất ngắn nhưng thường thì chúng ta không nhìn thấy được nó lặp lại trong một đời người. Sao Bắc Miện T là một trong mười tân tinh tái diễn trong Dải Ngân Hà có chu kỳ dưới 1 thế kỷ.
NASA cho biết trong thời gian của vụ nổ, hệ sao này sẽ có độ sáng tương đương với sao Bắc Cực (Polaris) và có thể sáng trong nhiều ngày cho đến một tuần.
Ngày giờ chính xác của vụ nổ thiên văn kỳ thú này vẫn chưa được xác định nhưng khi nó xảy ra chắc chắn sẽ truyền rất nhiều cảm hứng cho những người yêu thích quan sát bầu trời.
Tiến sĩ Rebekah Hounsell, chuyên gia về các sự kiện tân tinh ở Trung tâm bay vũ trụ Goddard của NASA, nói rằng: "đây là sự kiện có một không hai và sẽ tạo ra nhiều nhà thiên văn học mới, mang đến cho những người trẻ tuổi một sự kiện vũ trụ mà họ có thể tự quan sát, tự đặt câu hỏi và tự thu thập dữ liệu cho riêng mình".
"Nó sẽ thúc đẩy thế hệ các nhà khoa học tiếp theo", ông nói.