Bánh quy gừng chứa chất chống oxy hóa, sắt, canxi, magiê, kali, có thể giúp giảm đau bụng, đau lưng cũng như các lợi ích sức khỏe khác.
Bánh quy gừng được coi là món ăn biểu tượng của dịp Giáng sinh. Dạng cổ điển nhất của loại bánh này xuất hiện năm 2400 trước Công nguyên ở Hy Lạp cổ đại. Điều đáng ngạc nhiên là công thức ban đầu hoàn toàn không chứa gừng, vị giống với một chiếc bánh mật ong.
Phiên bản bánh gừng được yêu thích ngày nay có nguồn gốc từ thế kỷ 11, khi quân Thập tự chinh trở về sau chuyến du hành ở Trung Đông với những củ gừng trên tay. Từ đó, giới quý tộc châu Âu bắt đầu thử nghiệm sử dụng gừng trong nấu ăn.
Sau này, bánh gừng xuất hiện ở nhiều nước, với các biến thể khác nhau. Tuy nhiên, điểm chung của chúng vẫn là nguyên liệu cốt lõi: bột gừng hoặc gừng tươi, bột quế và các loại hạt, quả hạch. Các nguyên liệu này nhìn chung tốt cho sức khỏe.
Gừng có lịch sử lâu đời trong y học cổ truyền. Nghiên cứu cho thấy nó hỗ trợ tiêu hóa, giảm buồn nôn, chống cảm cúm thông thường. Các chuyên gia cũng tin rằng gừng có thể hỗ trợ kiểm soát cân nặng, điều trị bệnh thấp khớp, làm giảm tình trạng đau bụng, đau lưng trong kỳ kinh nguyệt.
Thành phần khác trong bánh là mật đường, được tạo ra bằng cách tinh chế nước mía hoặc củ cải đường. Mật đường rất giàu chất chống oxy hóa, sắt, canxi, magiê, kali, phốt pho và vitamin B6. Tất cả vitamin và khoáng chất quan trọng này có thể giảm táo bón, điều trị thiếu máu và hỗ trợ sức khỏe xương, tóc.
Bánh quy gừng là món ăn phổ biến dịp Giáng sinh. (Ảnh: Freepik)
Quế cũng là thành phần quan trọng trong bánh gừng. Đây là loại gia vị đặc biệt linh hoạt, với những lợi ích sức khỏe đáng kể. Nó có đặc tính kháng khuẩn, giàu chất chống oxy hóa - các phân tử tự nhiên giúp bảo vệ chống lại tiểu đường tuýp 2. Quế cũng giúp giảm viêm, là thành phần chống lão hóa hữu ích cho da. Nghiên cứu chỉ ra rằng quế có thể cải thiện vệ sinh răng miệng, giảm cholesterol và hạ huyết áp.
Tương tự, hạt nhục đậu khấu - một thành phần phổ biến khác trong bánh gừng, có tác dụng giảm viêm, tốt cho tim mạch.
Dù vậy, bánh gừng vẫn là loại đồ ăn vặt chứa nhiều đường và carb, không phù hợp để sử dụng hàng ngày hoặc ăn quá nhiều. Nếu đang giảm cân nhưng vẫn muốn ăn bánh gừng trong dịp Giáng sinh, bạn có thể làm bánh gừng với bột hạnh nhân thay vì bột mì thông thường. Nguyên liệu này giúp tăng cường protein, khiến bạn cảm thấy no lâu và không ăn quá nhiều. Bột hạnh nhân cũng là một lựa chọn không chứa gluten tuyệt vời.
Bạn có thể thay thế bơ bằng dầu dừa hoặc dầu olive, ít ảnh hưởng đến mức cholesterol hơn. Thêm các loại hạt và nho khô để trang trí là cách dễ dàng để bổ sung chất dinh dưỡng (chẳng hạn như vitamin E, magie và selen) và chất xơ.