NASA nghiên cứu sự hình thành các cơn bão lớn

Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) sẽ tiến hành từ ngày mai, 15-8, một chương trình nghiên cứu những biến đổi khí tượng tại châu Phi, được coi là nguyên nhân gây nên những cơn bão lớn, trong đó đa số đổ bộ vào Mỹ.

Trong mùa bão, trải dài từ ngày 1-6 đến 30-11, những cơn áp thấp nhiệt đới xuất phát từ châu Phi sẽ mạnh lên khi di chuyển qua bề mặt Đại Tây Dương, trở thành các cơn bão nhiệt đới và có sức tàn phá khủng khiếp.


Những cơn giông hình thành tại châu Phi và di chuyển về phía tây
Đại Tây Dương trước khi biến thành bão nhiệt đới (Ảnh: NASA)

Những thiệt hại lớn về người và của do bão gây ra khiến NASA phải tiến hành một chiến dịch quan sát, mang tên Các phân tích đa quy luật gió mùa châu Phi (NAMMA), diễn ra trong một tháng tới tại các vùng bờ biển của Senegal.

Cuộc điều tra sẽ giúp các chuyên gia dự báo khí tượng thuỷ văn hiểu rõ bản chất của những cơn bão có sức tàn phá khủng khiếp và cảnh báo kịp thời.

Một cơn bão lớn hình thành phải có đủ các điều kiện: nhiệt độ cao tại đại dương, độ ẩm cao trong tầng đối lưu (troposphere, lớp khí quyển giữa mặt đất và độ cao từ 8-15 km), các cơn gió ở mọi độ cao và sự xuất hiện một đợt áp thấp nhiệt đới.

Trong khoảng 1/5 các trường hợp, một nhiễu loạn nhiệt đới nhỏ ở vùng bờ phía tây châu Phi cũng có thể mạnh lên thành một hệ thống áp thấp với các cơn gió tương đối nhẹ, vượt qua tốc độ 63 km/h và cộng hưởng để hình thành một cơn bão Đại Tây Dương lớn với tốc độ gió trên 117 km/h.

Theo Tiến sĩ Edouard Zipser, trưởng nhóm nghiên cứu thuộc Trường đại học Utah (Mỹ), các nhà khoa học hiện mới chỉ ghi nhận sự hình thành của một cơn bão lớn khi họ quan sát được nó chứ chưa thể dự báo một nhiễu loạn nhỏ có khả năng mạnh lên thành bão.


Máy bay DC-8 của NASA có các thiết bị nghiên cứu tâm bão nhiệt đới.
(Ảnh: futura-sciences.com)

Muốn hiểu rõ sự hình thành một cơn bão lớn đòi hỏi các phương pháp thuộc mọi cấp độ từ nhỏ đến lớn, từ tìm hiểu những hạt bụi nhỏ li ti đến những giọt mưa, sự hình thành các đám mây và các luồng không khí trải dài hàng trăm km.

Để xác định các yếu tố góp phần phát triển các cơn bão nhiệt đới, tên gọi chung của áp thấp nhiệt đới, bão và bão lớn, các nhà nghiên cứu sẽ thông qua các số liệu vệ tinh, các thông tin từ các trạm quan sát khí tượng,…

Một máy bay được trang bị các công cụ tính toán những thay đổi trong khí quyển nhằm phát hiện các vùng có nhiều khả năng hình thành sự nhiễu loạn.

Trong suốt quá trình nghiên cứu, các nhà khoa học cũng hy vọng hiểu thêm về vai trò của các khối khí cực khô, thường rất bụi, hình thành trên sa mạc Sahara từ cuối mùa xuân đến đầu mùa thu và thường di chuyển tới Đại Tây Dương.

Năm 2004, bốn cơn bão lớn đã gây ảnh hưởng tới Florida. Năm 2005, New Orleans và các vùng khác bị tàn phá bởi các cơn bão Katrina, Rita và Wilma. NAMMA sẽ giúp các nhà khoa học hiểu rõ hơn về các nhiễu loạn khí quyển có thể dẫn tới hình thành một cơn bão lớn nhằm đề phòng thảm hoạ.

PHƯƠNG THẢO

Theo Futura-Sciences, Nhân dân
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video