Ngày 16/2, Viện nghiên cứu Bắc và Nam Cực của Nga cho biết mẫu nước đầu tiên từ hồ nước ngọt Vostok có từ thời tiền sử, hay còn gọi là hồ Phương Đông, ở Nam Cực đã được chuyển tới Nga, sau khi đoàn thám hiểm Nam Cực thứ 57 của Nga hoàn tất mũi khoan xuyên qua lớp băng dày gần 4km, chạm tầng nước từ thời cổ đại này.
>>> Nga tiếp cận thành công vùng hồ bí hiểm nhất thế giới
Vậy là sau nhiều năm tiến hành khoan bề mặt băng trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt tại Nam Cực không thành công, cuối cùng các nhà khoa học Nga cũng đã chinh phục được mục tiêu này.
Tờ International Herald Tribune đã ví việc tìm được mẫu nước đầu tiên từ hồ Phương Đông ở Nam Cực là một chiến công vĩ đại của các nhà khoa học, và khi xét về mức độ phức tạp, tầm quan trọng và tính duy nhất, thành tựu này có thể sánh ngang với chuyến bay đầu tiên vào vũ trụ của Gagarin.
Theo các nhà thám hiểm, Hồ Vostok là quần thể nước dưới băng lớn nhất ở Nam Cực với một hệ sinh thái đặc biệt, tách biệt hoàn toàn với môi trường trên mặt đất từ 15 đến 34 triệu năm.
Các nhà khoa học hy vọng có thể tìm thấy các dạng thức chưa từng được biết đến của sự sống, qua đó có thể tìm hiểu về quá khứ của Trái Đất chúng ta từ thời kỳ đồ đá và có câu trả lời thỏa đáng nhất cho câu hỏi liệu sự sống có thể tồn tại trong những điều kiện khắc nghiệt như trên Sao Hỏa hay trên mặt trăng Europa của Sao Mộc hay không.