Các phát hiện khảo cổ nổi tiếng như lăng mộ Tutankhamun có công rất lớn của người Ai Cập bản địa nhưng họ không được thế giới ghi nhận.
AFP dẫn lời của nhà khảo cổ học hàng đầu Monica Hanna trong bài viết hôm 6/11: "Người Ai Cập đã bị loại ra khỏi câu chuyện lịch sử".
Nhà khảo cổ Carter cùng cộng sự kiểm tra quan tài của pharaoh Tutankhamun. (Ảnh: Wikipedia)
Trong những bức ảnh mang tính biểu tượng nhất của thế kỷ 20: nhà khảo cổ học người Anh Howard Carter đang kiểm tra quan tài của pharaoh Tutankhamun vào năm 1922 trong khi một thành viên Ai Cập thuộc nhóm của ông ngồi gập người gần đó bị che khuất trong bóng tối.
Nó cũng là một phép ẩn dụ cho hai thế kỷ của ngành Ai Cập học, với những câu chuyện kể về các nhà thám hiểm nước ngoài tài giỏi khám phá bí mật về pharaoh, trong khi người Ai Cập làm nền bị lãng quên.
Giờ đây, nhân kỷ niệm 100 năm ngày Carter phát hiện ra lăng mộ Tutankhamun (4/11/1922 - 4/11/2022) và 200 năm nay ngày giải mã Hòn đá Rosetta giúp mở khóa các chữ tượng hình cổ đại, người Ai Cập đang yêu cầu những đóng góp của họ được công nhận.
Người Ai Cập không tên
"Người Ai Cập đã làm phần lớn công việc nhưng không được nhớ đến", nhà khảo cổ Abdel Hamid Daramalli hiện phụ trách dự án khai quật tại các lăng mộ ở Qurna gần thành phố Luxor cho biết.
Theo nhà Ai Cập học Heba Abdel Gawad, ngay cả khi người Pháp Jean François Champollion - người đã "bẻ khóa mật mã" của Hòn đá Rosetta vào năm 1822 - cũng đã "tẩy trắng lịch sử như thể không có nỗ lực nghiên cứu Ai Cập cổ đại nào cho đến khi người châu Âu đặt chân đến".
"Người Ai Cập không tên" trong bức tranh nổi tiếng của Carter có lẽ là Hussein Abu Awad hoặc Hussein Ahmed Said, theo nhà sử học nghệ thuật Christina Riggs, một chuyên gia về Trung Đông tại Đại học Durham của Anh.
Carter và Hussein đều là trụ cột của nhóm, bên cạnh Ahmed Gerigar và Gad Hassan, trong 9 mùa khai quật, nhưng không giống như các thành viên người nước ngoài, các thành viên Ai Cập "không được chú ý".
"Người Ai Cập không được ghi danh và hầu như không được biết đến trong lịch sử của họ", Riggs nhấn mạnh và cho rằng sự bất bình đẳng về cấu trúc của ngành Ai Cập học vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay.
Tuy nhiên, có một cái tên Ai Cập đã trở nên nổi tiếng với tư cách là người tình cờ phát hiện ra lăng mộ Tutankhamun: Hussein Abdel Rasoul. Mặc dù không xuất hiện trong nhật ký của Carter, câu chuyện về "cậu bé chở nước" được công nhận như một sự thật lịch sử, Riggs nói.
Vào ngày 4/11/1922, Hussein Abdel Rasoul (12 tuổi) làm công việc thường ngày là chở những chum lớn chứa đầy nước đến bãi khai quật cho công nhân. Những chiếc chum được buộc bằng dây và đặt trên lưng lừa trong hành trình. Khi đến nơi, cậu lấy chum nước ra khỏi con lừa và đặt chúng trên cát. Vì chum nhọn ở đáy, Hussein phải bới một ít cát để đặt chum đứng thẳng và tình cờ phát hiện ra một tảng đá phẳng trông như thể nó được điêu khắc, đó chính là bậc thang trên cùng dẫn xuống lăng mộ, theo Live Science.
Hussein liền báo cáo khám phá của mình với các công nhân. Ngày hôm sau, nhóm của Carter đã khai quật toàn bộ cầu thang và đến ngày 26/11/1922, ông nhìn thấy một căn phòng chứa đầy kho báu bằng vàng thông qua một lỗ thủng nhỏ trên cửa lăng mộ.
Riggs cho biết trong những trường hợp hiếm hoi mà Ai Cập học ghi nhận người Ai Cập với những khám phá tuyệt vời, họ là trẻ em hoặc kẻ trộm cổ vật.
"Vấn đề là những người khác giữ hồ sơ ghi chép, chúng tôi thì không", Sayed Abdel Rasoul, cháu trai của Hussein, nói với AFP.
Phần lớn công việc khai quật lăng mộ Tutankhamun do người Ai Cập thực hiện nhưng tên tuổi của họ rất ít được biết đến. (Ảnh: Hulton-Deutsch Collection/CORBIS/Corbis)
Theo nhà Ai Cập học Abdel Gawad, người dân Ai Cập bản địa có thể nhìn những đường viền trên cát và "biết được liệu có thứ gì ở đó hay không". Kiến thức và kỹ năng khai quật của họ được truyền lại qua nhiều thế hệ ở Qurna và Qift, nơi nhà khảo cổ học người Anh William Flinders Petrie lần đầu đào tạo người dân địa phương vào những năm 1880.
Công nhân khai quật Mostafa Abdo Sadek, người có khám phá được tôn vinh trong loạt phim tài liệu Netflix "Bí mật của lăng mộ Saqqara", là hậu duệ của những người đào mộ ở Qift.
Gia đình ông đã di chuyển 600km về phía bắc vào đầu thế kỷ 20 để khai quật khu nghĩa địa rộng lớn ở phía nam của các kim tự tháp Giza, nhưng những đóng góp của họ trong một thế kỷ khám phá ở Saqqara phần lớn không được ghi chép lại.
Những người con của Tutankhamun
Nhà khảo cổ học và cựu Bộ trưởng Bộ Cổ vật Ai Cập Zahi Hawass nóirằng trong khi người Pháp kiểm soát dịch vụ cổ vật của đất nước trong nhiều thập kỷ, người Ai Cập "luôn phục vụ người nước ngoài".
"Chúng ta phải nhớ bối cảnh lịch sử và xã hội thời đó, với việc Ai Cập bị Anh chiếm đóng", nhà Ai Cập học Fatma Keshk lưu ý.
Cuộc đấu tranh giành di sản văn hóa của Ai Cập đạt cao trào vào đầu thế kỷ 20 khi người Ai Cập yêu cầu tự do của họ. "Chúng tôi là những người con của Tutankhamun", diva Mounira al-Mahdiyya hát vào năm 1922, năm ngôi mộ còn nguyên vẹn của vị pharaoh nổi tiếng được tìm thấy. Cùng năm đó, Anh buộc phải trao quyền độc lập cho Ai Cập.
Trong khi những kho báu quan trọng vẫn nằm trong lăng mộ của Tutankhamun ở thủ đô Cairo, Ai Cập đã đánh mất nhiều văn thư lưu trữ của Carter, vốn được coi là tài sản riêng của ông. Các hồ sơ - chìa khóa cho nghiên cứu học thuật - được cháu gái của Carter tặng cho Viện Griffith về Ai Cập học tại Đại học Oxford của Anh.
"Họ vẫn đang chiếm giữ. Họ để lại các đồ vật, nhưng đã tận dụng khả năng của chúng tôi để nghiên cứu", Hanna nói thêm.
Cướp bóc chiến tranh
Qua nhiều thế kỷ, vô số cổ vật đã rời khỏi Ai Cập. Một số như cột đá Luxor Obelisk ở Paris và Đền Debod ở Madrid là quà tặng của chính phủ, nhưng phần lớn đã bị thất lạc trong các viện bảo tàng ở châu Âu thông qua hệ thống chia cắt thời thuộc địa. Hàng trăm nghìn cổ vật khác đã bị buôn lậu ra khỏi Ai Cập thành các bộ sưu tập tư nhân trên khắp thế giới, theo Abdel Gawad.
Cựu Bộ trưởng Bộ Cổ vật Ai Cập Hawass đang dẫn đầu một cuộc đấu tranh để hồi hương Hòn đá Rosetta và Cung hoàng đạo Dendera. Bản kiến nghị của ông đã thu hút hơn 78.000 chữ ký.
"Việc trả lại hai đồ tạo tác cho Ai Cập sẽ cho thấy cam kết của các bảo tàng phương Tây trong nỗ lực sửa chữa các bộ sưu tập của họ và sửa chữa quá khứ", bản kiến nghị viết.
Hòn đá Rosetta được đặt trong Bảo tàng Anh từ năm 1802. Các nhà chức trách của bảo tàng nói rằng "nó được tặng cho người Anh như một món quà ngoại giao", nhưng đối với Abdel Gawad, "đó là cướp bóc chiến tranh".
Trong khi đó, người Pháp Sebastien Louis Saulnier đã di dời tác phẩm Cung hoàng đạo Dendera khỏi Đền Hathor ở Qena vào năm 1820. Tấm bản đồ thiên thể này sau đó được treo trên trần nhà trong bảo tàng Louvre ở Paris từ năm 1922.
"Đó là một tội ác mà người Pháp đã phạm phải ở Ai Cập", nhà khảo cổ học Hanna nhấn mạnh. "Hành vi này không phù hợp với đạo đức thế kỷ 21".