Nguyên nhân gây ra động đất ở Hà Nội sáng 25-3

Theo viện trưởng Viện Vật lý địa cầu, trận động đất ở Mỹ Đức gây rung lắc ở trung tâm Hà Nội sáng nay là do nằm trong vùng đứt gãy sông Hồng - sông Lô - sông Chảy.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online chiều 25-3 về nguyên nhân trận động đất mạnh 4 độ xảy ra ở khu vực huyện Mỹ Đức (Hà Nội), TS Nguyễn Xuân Anh, viện trưởng Viện Vật lý địa cầu, cho biết khu vực xảy ra động đất nằm trong vùng đứt gãy sông Hồng - sông Lô - sông Chảy. Khi các đứt gãy này tích tụ đủ năng lượng thì phát sinh động đất.


Đá từ trên núi lăn xuống một nhà dân ở xã Cao Dương, huyện Lương Sơn, Hòa Bình do ảnh hưởng của động đất sáng 25-3 ở huyện Mỹ Đức - (Ảnh: H.KHÔI).

Cũng theo ông Xuân Anh, vùng đứt gãy sông Hồng - sông Lô - sông Chảy từng xảy ra động đất trong quá khứ. Tại Hà Nội, vào thế kỷ 12, một trận động đất mạnh cấp 8 xảy ra đã làm bia chùa Báo Thiên bị vỡ làm đôi.

"Quy luật động đất do các đứt gãy sinh chấn ở vùng đứt gãy sông Hồng - sông Lô - sông Chảy cho thấy thường là hàng trăm năm, hoặc dăm bảy trăm năm mới xảy ra trận động đất mạnh" - TS Nguyễn Xuân Anh nói.

Ông Xuân Anh cũng cho biết trận động đất xảy ra sáng nay ở khu vực huyện Mỹ Đức có cấp độ rủi ro thiên tai cấp 0. Tuy nhiên, đơn vị đang tiếp tục theo dõi trận động đất này.

Từ trận động đất nói trên, TS Nguyễn Xuân Anh cho rằng cần nghiên cứu phân đoạn đứt gãy sông Hồng để đánh giá nguy hiểm động đất chi tiết hơn, khu vực Hà Nội cần thực hiện đánh giá rủi ro động đất.

Ông Xuân Anh cũng đề xuất thiết lập một số thiết bị quan trắc ở các nhà cao tầng ở thành phố để đánh giá định lượng mức độ rung lắc do các trận động đất gây ra.

Đồng thời, cần có bản đồ đánh giá động đất chi tiết hơn cho Hà Nội, trong đó cập nhật các trận động đất mới, từ đó xây dựng những kịch bản đánh giá nguy hiểm động đất ở các quận nội thành để phục vụ việc kháng chấn của công trình xây dựng.


Camera quay cảnh nhà người dân bị rung lắc do động đất ở Hà Nội.

Như Tuổi Trẻ Online đưa tin, lúc 8h05 sáng 25-3, một trận động đất có độ lớn 4 độ xảy ra tại khu vực huyện Mỹ Đức, Hà Nội, độ sâu chấn tiêu khoảng 16km.

Tại nơi tâm chấn trận động đất, ông Phan Đức Trọng - bí thư Đảng ủy xã Bột Xuyên, huyện Mỹ Đức - cho biết rung lắc kéo dài khoảng 5 giây.

"Chúng tôi vừa chào cờ xong thì cảm nhận được rung lắc. Một số cán bộ văn phòng thấy lọ hoa, cây để trên bàn rung rung. Qua kiểm tra nhanh, chưa ghi nhận thiệt hại" - ông Trọng nói với Tuổi Trẻ Online.

"Tôi đang ngồi ăn sáng thì thấy chóng cả mặt, mái tôn dập dình, rung cả tường trong khoảng 4-5 giây" - chị Phương Thảo (ở xã Bột Xuyên) chia sẻ.

Tại một số tòa nhà cao tầng ở quận Thanh Xuân, Hà Đông, Nam Từ Liêm... người dân cũng cảm nhận rõ rung lắc.

Tại xã Cao Dương (huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình) cũng chịu ảnh hưởng của trận động đất này.

Chính quyền xã Cao Dương cho biết động đất khiến một tảng đá dài rộng chừng 2 mét từ trên núi sạt xuống, lăn vào một nhà dân trên địa bàn xã.

Tảng đá lớn lăn xuống gây sập đổ tường nhà bếp, chuồng trại chăn nuôi, rất may không có thiệt hại về người.

Tại Việt Nam, các trận động đất từ 4 - 4,9 độ được đánh giá là các trận động đất nhẹ. Khi xảy ra động đất, các đồ vật trong nhà rung động và phát ra tiếng ồn. Nhiều người cảm nhận được động đất. Nhìn chung không gây thiệt hại hoặc thiệt hại nhẹ.

Cập nhật: 26/03/2024 Tuổi Trẻ
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video