“Động đất ở Việt Nam xuất hiện ngày càng nhiều”

  •   410
  • 27.805

Tiến sĩ Lê Huy Minh, Phó Viện trưởng phụ trách (Viện Vật lý Địa cầu – Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cho biết, động đất ở Việt Nam ngày càng xuất hiện nhiều hơn, song cường độ không bằng so với một số trận từng xảy ra trong lịch sử.

- Trận động đất ở Nhật Bản đã gây ra sóng thần khiến nhiều người quan ngại sẽ có những trận động đất ở Việt Nam với cường độ tương tự. Trong lịch sử, chúng ta có ghi nhận trận động đất nào lớn chưa?

Việt Nam từng ghi nhận 2 trận động đất rất lớn là động đất Điện Biên (năm 1935) với cường độ 6,75 độ Richter xảy ra trên đới đứt gẫy sông Mã. Trận lớn thứ hai là động đất Tuần Giáo (năm 1983), với cường độ 6,8 độ Richter, xảy ra trên đới đứt gẫy Sơn La.

Ngoài ra, vùng ngoài khơi Nam Trung Bộ, năm 1923 cũng có 1 trận động đất 6,1 độ Richter (thuộc ở vùng biển vũng Tàu, Phan Thiết). Trận động đất này này đi cùng hiện tượng phun trào núi lửa Hòn Choi, trên đới đứt gãy kinh tuyến 109-110.


Tiến sĩ Minh nói, chưa ghi nhận có trận sóng thần nào tại vùng biển Việt Nam. Ảnh Tầm nhìn

Năm 2010, có rất nhiều trận động đất xảy ra ở Việt Nam. Trong đó, trận lớn nhất đạt 5 độ Richter. Còn những trận nhỏ hơn thì xảy ra trên hàng loạt đứt gãy như Mường Lay - Bắc Yên, Cao Bằng-Tiên Yên, đứt gãy sông Mã, Sông Cả…

Những trận động đất này không gây thiệt hại lớn. Đáng chú ý là ở khu vực Quan Sơn (Thanh Hóa), động đất có gây ra nứt nhà, gây lo lắng cho người dân.

- Hình như những năm gần đây, động đất ngày càng xảy ra nhiều hơn, thưa Tiến sĩ?

Từ năm 2005 trở lại đây, có vẻ ngày càng xuất hiện nhiều trận động đất hơn, có năm nhiều hơn đến 10 trận.

Còn về cường độ thì cũng gần như nhau, không có sự tăng giảm mạnh. Ví dụ, năm 2007 ở ngoài khơi Vũng Tàu-Phan Thiết có động đất 5,3 độ Richter, đầu năm 2011 cũng xảy ra một trận với cường độ 4,7 độ Richter.

- Theo ông, khi động đất xảy ra, các đô thị lớn ở Việt Nam có bị ảnh hưởng không?

Năm 1983, khi xảy ra động đất ở Sơn La (6,8 độ Richter) thì ở Hà Nội rung động lên tới cấp 6, đồng nghĩa việc nhà cửa có thể bị nứt.

Lúc đó, Hà Nội cũng chưa có nhà cao tầng. Đến nay, nhiều nhà cao tầng sẽ mọc lên thì nếu với động đất ở vị trí và cường độ như vậy chắc chắn Hà Nội sẽ rung động rất sợ, có khả năng làm đổ nhà.

- Động đất bao nhiêu độ Richter thì xảy ra sóng thần?

Trong nghiên cứu động đất, người ta thấy phải từ 6,5 độ Richter trở lên thì mới có sự xê dịch trên toàn bộ mặt đứt gẫy. Sự xê dịch này dẫn đến sự thay đổi địa hình đáy biển, gây ra sóng thần.

- Việt Nam có đường bờ biển dài, chúng ta đã từng phải chịu trận sóng thần nào chưa?

Chưa. Như tôi đã nói, năm 1923 có 1 trận 6,1 độ Richter, nhưng nó liên quan đến hoạt động núi lửa chứ không phải dịch trượt trên bề mặt đứt gãy.

- Nếu sóng thần xảy ra, thì khu nào ở Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng nhất?

Theo kết quả nghiên cứu kịch bản sóng thần, nếu động đất xảy ra ở Philippines thì sóng thần gây ra sẽ ảnh hưởng lớn nhất đến vùng biển miền Trung Việt Nam (Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đà Nẵng…)

- Ở Việt Nam, công tác cảnh báo động đất, sóng thần được triển khai như thế nào?

Trên thế giới, động đất không dự báo được.

Với cảnh báo sóng thần thì khác. Khi động đất xảy ra ở một khu vực nào đó, ở một cường độ nhất định sẽ gây ra sóng thần. Sóng thần truyền trong đại dương phải mất thời gian mới đến bờ biển. Và, người ta có thể tính toán được khoảng thời gian đó.

Ở Việt Nam, trước kia, những nghiên cứu ở Viện Vật lý địa cầu thường mang tính cơ bản và không được quan tâm nhiều. Năm 2006, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quy chế về báo tin động đất, cảnh báo sóng thần thì nghiên cứu của chúng tôi được quan tâm, đầu tư.

Cụ thể, chúng tôi được xây dựng 10 trạm địa chấn gửi số liệu thời gian thực về Viện Vật lý địa cầu. Viện cũng nhận số liệu của các trạm quốc gia và vùng lãnh thổ trong khu vực, hợp tác với Trung tâm Cảnh báo sóng thần quốc tế Thái Bình Dương tại Hawaii (Mỹ) và Trung tâm Tư vấn sóng thần Bắc Đại Tây dương để nhận thông tin, xử lý và đưa ra khuyến cáo.

Trong 2-3 năm tới, chúng tôi sẽ có tổng số khoảng 30 trạm. Khi hoàn thành các trạm này, chúng tôi tin tưởng sẽ cảnh báo sóng thần trong vòng 10-15 phút. Vừa rồi, động đất ở Nhật Bản, người ta cũng gửi cảnh báo sóng thần cho chúng tôi sau 10 phút.

Ngoài ra, năm 2011, nhà nước có kế hoạch xây dựng tháp báo động trực canh ở khu vực miền Trung. Tháp này cao vài chục mét, trên tháp đặt còi báo động, đèn hiệu để khi động đất, sóng thần xảy ra, Viện sẽ gửi thông tin trực tiếp đến cảnh báo người dân.

Bên cạnh việc phục vụ cảnh báo động đất, sóng thần, những tháp này còn phục vụ công tác bão lũ.

Xin cảm ơn ông!

Tiến sĩ Lê Huy Minh khuyến cáo, khi động đất xảy ra, người dân nếu đang ở trong nhà thì nên tìm nơi trú ẩn như gầm bàn, gầm ghế. Nếu ở ngoài trời thì nên tránh xa các khu nhà cao tầng.

Khi có sóng thần xảy ra, dựa vào bản tin cảnh báo, người dân trên bờ cần chạy càng xa bờ biển càng tốt. Nên tìm đến những vùng đất cao để tránh sóng.

Đối với tàu thuyền, ông Minh khuyến cáo nếu thời gian dự báo sóng thần dài thì cần chạy xa bờ. “Sóng thần chỉ gây tác hại ở vùng bờ biển, còn ra ngoài xa thì biên độ sóng dù lớn đến mấy nhưng do chu kỳ dài sẽ không ảnh hưởng nhiều đến tàu thuyền,” ông Minh nói.

Theo Vietnam+
  • 410
  • 27.805