Viện Pasteur TP.HCM, Viện Pasteur Nha Trang, Trung tâm Thú y vùng (TP.HCM) đang có những công trình nghiên cứu khác nhau về vắc-xin cúm A/H5N1 cho người và gia cầm.
Viện Pasteur TP.HCM đang tiến hành nghiên cứu vắc-xin cúm A/H5N1 trên người từ dòng tế bào vetro. Đây là dòng tế bào duy nhất do tổ chức Y tế Thế giới (World Health Organization) cho phép dùng để điều chế vắc-xin an toàn cho người.
Phòng nghiên cứu vắc-xin H5N1 tại Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương (Ảnh: VNN) |
Theo Viện Pasteur TP.HCM, tế bào vero lấy từ thận khỉ xanh đã được thế giới áp dụng qua 130 đời, nên rất an toàn vì không có vi-rút lạ như các dòng tế bào khác. Tuy nhiên, việc điều chế vắc-xin cho người hiện rất khó khăn vì vi-rút cúm gia cầm rất khó nuôi cấy trên tế bào của động vật bậc cao.
Trong khi đó, Viện Pasteur Nha Trang cũng đang tiến hành nghiên cứu vắc-xin dùng cho người nhưng với phương pháp nuôi vi-rút trên trứng gà có phôi.
Bên cạnh đó, Trung tâm Thú y vùng TP.HCM cũng bắt đầu dự án "Nghiên cứu dịch tể học, sinh bệnh học và khống chế vi-rút cúm gia cầm thể độc lực cao ở vịt tại Việt Nam và Indonesia". Dự án này có sự hợp tác và hỗ trợ của hai đơn vị của Úc là Trung tâm Hợp tác Nghiên cứu bệnh Truyền nhiễm - ĐH Queenland và Phòng Thí nghiệm Chẩn đoán Thú y.
Dự án này tập trung chủ yếu ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nhằm nghiên cứu đặc điểm dịch tể học của vi-rút H5N1 thể độc lực cao.
Ngoài ra, dự án còn chú trọng đến vai trò đàn vịt như vật chủ lưu giữ vi-rút H5N1 trong và sau khi bị nhiễm bệnh. Mục tiêu thứ ba của dự án là tìm hiểu sinh bệnh học của bệnh cúm gia cầm ở vịt do vi-rút H5N1, đồng thời đánh giá hiệu quả của vắc-xin trên vịt và đánh giá vai trò của tiêm vắc-xin trong việc phòng chống sự nhiễm và thải vi-rút.
Dự án này sẽ kéo dài từ 8/2006 đến tháng 8/2009.
H.Cát