Vì sao cần tiêm vaccine Covid-19? Khi nào nên và không nên tiêm vaccine Covid-19? Độ tuổi nào được tiêm vaccine Covid-19? Cần khai báo những gì cho bác sĩ trước khi tiêm vaccine Covid-19?… Tất cả những thắc mắc thường gặp nhất sẽ được giải đáp trong bài viết tổng hợp các câu hỏi trước khi tiêm vaccine Covid-19 ngay dưới đây.
13 câu hỏi thường gặp khi đi tiêm vaccine Covid-19
- 1. Tiêm vaccine Covid-19 rồi có bị mắc Covid-19 không?
- 2. Tiêm vaccine virus Corona có gây vô sinh không?
- 3. Tôi có nên đi tiêm vắc xin Covid-19 khi đã mắc Covid-19 và khỏi bệnh?
- 4. Vắc xin Covid-19 có hiệu quả với các biến thể mới không?
- 5. Các phản ứng sau khi tiêm?
- 6. Cho con đi tiêm có an toàn không?
- 7. Đang mang thai, có được đi tiêm không?
- 8. Vaccine có hiệu quả trong bao lâu?
- 9. Nếu đã tiêm 2 mũi, thì có cần mang khẩu trang và tránh tiếp xúc với những người khác không?
- 10. Các thành phần có trong vaccine là gì?
- 11. Cần tiêm bao nhiêu liều?
- 12. Ai không nên tiêm vaccine?
- 13. Sau khi tiêm vaccine, có cần ăn kiêng hoặc hạn chế nhiều hoạt động?
1. Tiêm vaccine Covid-19 rồi có bị mắc Covid-19 không?
Không một loại vắc xin nào có hiệu quả phòng bệnh 100%, Covid-19 Vaccine AstraZeneca cũng tương tự. Vắc xin Covid-19 của AstraZeneca và Đại học Oxford được chứng minh tạo hiệu quả bảo vệ lên đến 89%, số còn lại tiêm xong vẫn có thể nhiễm bệnh, mặc dù vậy bệnh sẽ nhẹ đi rất nhiều, tỷ lệ nằm viện hoặc biến chứng nặng là không xảy ra.
Theo nghiên cứu, ba tuần sau liều đầu tiên của vắc xin, 7 trong số 10 người được bảo vệ ở một mức độ nhất định. Tuy nhiên, có thể không đủ để bảo vệ chống lại bệnh Covid-19 vì vậy cần tiêm thêm một liều thứ hai. Sau tiêm chủng, người được chủng ngừa vẫn cần phải tiếp tục tuân thủ các quy tắc địa phương, thực hiện thông điệp 5k, đeo khẩu trang, rửa tay và giãn cách xã hội.
2. Tiêm vaccine virus Corona có gây vô sinh không?
KHÔNG. Hiện không có bằng chứng hay dữ liệu nào chứng minh tiêm vaccine virus Corona có thể gây vô sinh. Các nhà nghiên cứu cho biết, không có loại vắc xin Covid-19 nào được cấp phép sử dụng có bất kỳ tác động đến khả năng sinh sản của cả nam và nữ. Các thử nghiệm lâm sàng tiếp theo đã được lên kế hoạch và thông tin liên quan sẽ được cung cấp cho các bác sĩ hoặc chuyên gia chăm sóc y tế.
3. Tôi có nên đi tiêm vắc xin Covid-19 khi đã mắc Covid-19 và khỏi bệnh?
CÓ. Theo khuyến cáo, rất cần tiêm vắc xin Covid-19 bất kể bạn đã mắc Covid-19 hay chưa. Ngay khi đã phục hồi sau khi nhiễm SARS-CoV-2, bạn vẫn có nguy cơ (mặc dù hiếm gặp) bị tái nhiễm Covid-19. Tiêm chủng là phương pháp an toàn, đơn giản, tiết kiệm và hiệu quả nhất bảo vệ cơ thể khỏi virus toàn cầu.
4. Vắc xin Covid-19 có hiệu quả với các biến thể mới không?
CÓ. Dịch Covid-19 tại Việt Nam có đang những diễn biến phức tạp, khó lường với đa nguồn lây, đa biến chủng, đa ổ dịch lây lan nhanh ở nhiều địa phương trên cả nước. Xây dựng miễn dịch cộng đồng nhờ vắc xin Covid-19 được xem là một công cụ an toàn giúp chấm dứt đại dịch, sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường.
Các dữ liệu hiện tại cho thấy, vắc xin ngừa Covid-19 có hiệu quả trong việc chống lại hầu hết các biến thể mới. Với 2 biến thể mới của virus SARS-CoV-2 là Ấn Độ (B.1.617.2) và Anh (B.1.17), vaccine Covid-19 của AstraZeneca có thể tạo ra hiệu quả bảo vệ tương tự như chủng ban đầu.
Đầy đủ 2 liều vaccine Covid-19 của AstraZeneca giúp giảm 92% số ca nhập viện do biến thế Delta và cho thấy không có ca tử vong trong số những người được tiêm chủng.
Vắc xin Covid-19 giúp ngăn ngừa lây ngừa, giảm tỷ lệ nhập viện và tử vong do virus SARS-CoV-2.
5. Các phản ứng sau khi tiêm?
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khẳng định vắc xin Covid-19 an toàn và hiệu quả trong việc bảo vệ cơ thể khỏi sự tấn công, biến chứng và tử vong do virus SARS-CoV-2. Sau khi chủng ngừa, bạn có thể gặp một số tác dụng phụ nhẹ, đó là những dấu hiệu tốt cho thấy cơ thể đang được bảo vệ. Điều này có nghĩa là vắc xin đang hoạt động và hệ thống miễn dịch của bạn đang đáp ứng một cách bình thường.
Giống như bất cứ loại vắc xin nào, vắc xin phòng Covid-19 có thể gây ra những phản ứng từ nhẹ đến trung bình như: sốt, đau đầu, ớn lạnh, đau cơ, mệt mỏi, buồn nôn, chóng mặt, nhịp tim nhanh… Các triệu chứng này có thể xuất hiện sau khi tiêm, tự biến mất sau vài ngày và không ảnh hưởng đến sức khỏe.
6. Cho con đi tiêm có an toàn không?
CÓ. Vắc xin Covid-19 đã được chứng minh an toàn và hiệu quả vượt mức kỳ vọng của Tổ chức Y tế Thế Giới (WHO). Sau khi được chủng ngừa, con bạn có thể gặp các phản ứng phụ thông thường và tự biến mất sau vài ngày. Covid-19 Vaccine AstraZeneca được chỉ định dành cho người từ 18 tuổi trở lên, không tiêm cho người nhỏ tuổi hơn. Do vậy, nếu con bạn hiện đã đủ điều kiện chủng ngừa thì nên tiến hành tiêm vắc xin càng sớm càng tốt.
Đối với trẻ em và trẻ vị thành niên dưới 18 tuổi, các nhà khoa học trên thế giới đưa ra khuyến nghị chưa/không nên tiêm vắc xin Covid-19 vì các nguyên nhân sau:
- Vắc xin chưa đủ thời gian thử nghiệm để xác định tính an toàn và hiệu quả của vắc xin ở trẻ em và trẻ vị thành niên dưới 18 tuổi.
- Trẻ em mắc Covid-19 thường không có triệu chứng hoặc nhẹ hơn người lớn.
- Trẻ em có tỷ lệ mắc Covid-19 và tử vong thấp.
7. Đang mang thai, có được đi tiêm không?
Tại Việt Nam, căn cứ theo quyết định 2995/QĐ-BYT của Bộ Y tế ban hành hướng dẫn tạm thời về khám sàng lọc trước khi tiêm vắc xin phòng Covid-19, phụ nữ mang thai và cho con bú thuộc nhóm hoãn tiêm vắc xin Covid-19, hiện tại có rất ít số liệu đánh giá tính an toàn của vắc xin trong thời kỳ mang thai.
Phụ nữ đang nuôi con bằng sữa mẹ cần tạm thời hoãn tiêm vaccine Covid-19. Hiện chưa có bằng chứng chứng minh vaccine Covid-19 có tiết qua sữa mẹ hay không. Mặc dù vậy, trong trường hợp đã tiêm chủng vắc xin Covid-19, phụ nữ cũng không cần phải ngừng việc cho con bú.
8. Vaccine có hiệu quả trong bao lâu?
Vì vắc xin phòng Covid-19 của Astrazeneca là vắc xin mới nên chưa có thời gian để xác nhận việc bảo vệ kéo dài trong bao lâu. Tuy nhiên, Covid-19 Vaccine AstraZeneca đã được cung cấp cho hàng ngàn người trong các thử nghiệm lâm sàng, tất cả đều được theo dõi cẩn thận trong 12 tháng.
Theo khuyến cáo, vắc xin phòng Covid-19 của Astrazeneca được tiêm đủ 2 mũi. Nếu bạn quên tiêm mũi thứ hai theo lịch hẹn, hãy liên hệ bác sĩ hoặc chuyên gia chăm sóc sức khỏe để được tư vấn. Việc tiêm mũi thứ hai Vắc xin Covid-19 Vaccine Astrazeneca rất quan trọng.
9. Nếu đã tiêm 2 mũi, thì có cần mang khẩu trang và tránh tiếp xúc với những người khác không?
CÓ. Bộ Y tế khuyến cáo, không phải tất cả mọi người đều cho đáp ứng miễn dịch khi chủng ngừa giống như nhau. Với hầu hết các vắc xin, tỷ lệ bảo vệ không bao giờ là tuyệt đối 100%, vaccine Covid-19 cũng tương tự. Do đó, vẫn có sự lây nhiễm đối với người đã tiêm đủ vắc xin phòng Covid-19 (không phổ biến).
Cần lưu ý rằng, sau khi tiêm vắc xin, kể cả 1 mũi hay đủ 2 mũi, người được chủng ngừa vẫn phải thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm theo thông điệp 5K của Bộ Y tế bao gồm: Khẩu trang – Khử khuẩn – Khoảng cách – Không tụ tập – Khai báo y tế.
Mỗi người cần phải kết hợp song song, hài hợp, hợp lý cả hai yếu tố vắc xin Covid-19 + 5K thì công tác phòng, chống dịch mới đạt hiệu quả cao, sớm đạt được mục đích xóa bỏ đại dịch.
10. Các thành phần có trong vaccine là gì?
Thành phần vắc xin Covid-19 của AstraZeneca bao gồm một hoạt chất và các tá dược, cho phép vắc xin được sử dụng dưới dạng tiêm. Vắc xin không sử dụng chất bảo quản và các thành phần tá dược có vai trò giữ ổn định vắc xin (ngăn không cho Vắc xin bị biến đổi).
Tá dược trong vắc xin Covid-19 của AstraZeneca gồm:
- L-Histidine;
- L-Histidine hydrochloride monohydrate (cả hai axit amin);
- Magie clorua hexahydrat (hỗ trợ các hoạt động bên trong tế bào);
- Polysorbate 80 (một chất ổn định);
- Ethanol (rượu);
- Sucrose (đường);
- Natri clorua (muối);
- Isodium edetate dihydrate (EDTA, một chất liên kết);
- Nước để tiêm.
Các thành phần của vắc xin Covid-19 của AstraZeneca là để vắc xin không thể gây ra bệnh cảnh Covid-19 hay cảm lạnh.
11. Cần tiêm bao nhiêu liều?
Với các biến chủng virus SARS-CoV-2 nguy hiểm hiện nay, việc tiêm đầy đủ cả hai liều vắc xin Covid-19 của AstraZeneca là rất cần thiết để tránh virus xâm nhập vào cơ thể. Các chuyên gia y tế nhấn mạnh, cần hoàn thành 2 mũi vắc xin để đạt hiệu quả phòng bệnh cao nhất:
- Mũi 1: Lần đầu tiên tiêm.
- Mũi 2: 4 – 12 tuần sau mũi đầu tiên.
12. Ai không nên tiêm vaccine?
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi quốc gia cần chủng ngừa cho ít nhất 70% dân số mới đạt được miễn dịch cộng đồng. Giống với các loại dược phẩm khác, vaccine Covid-19 có thể gây một số tác dụng phụ và không phù hợp ở từng đối tượng nhất định. Tất cả những người có phản ứng dị ứng nghiêm trọng với bất kỳ thành phần hoạt chất hoặc tá dược nào liệt kê trong mục thành phần vắc xin đều KHÔNG ĐƯỢC tiêm vắc xin.
Bên cạnh đó, cần thận trọng tiêm chủng với các đối tượng, như:
- Nếu bạn đã từng có phản ứng dị ứng nghiêm trọng (phản ứng phản vệ) sau khi tiêm vắc xin nào đó trước đây.
- Nếu hệ miễn dịch của bạn bị suy yếu (suy giảm miễn dịch) hoặc bạn đang dùng thuốc làm suy yếu hệ miễn dịch (như corticosteroid liều cao, thuốc ức chế miễn dịch hoặc thuốc ung thư).
- Nếu bạn hiện đang bị nhiễm trùng nặng với thân nhiệt cao (trên 38°C/ 100.4°F).
- Nếu bạn có vấn đề về xuất huyết/chảy máu hoặc bầm tím, hoặc nếu bạn đang dùng thuốc làm loãng máu (thuốc chống đông máu).
Trong trường hợp nếu bạn không chắc chắn bất kỳ điều gì bên trên, hãy trao đổi với bác sĩ hoặc chuyên gia chăm sóc sức khỏe của bạn trước khi bạn được tiêm vắc xin.
Người được chủng ngừa sẽ được khám sàng lọc kỹ trước khi tiêm vắc xin phòng Covid-19.
13. Sau khi tiêm vaccine, có cần ăn kiêng hoặc hạn chế nhiều hoạt động?
Các chuyên gia cho biết, mặc dù không có tác động lớn nhưng một chế độ ăn uống và vận động đơn giản, hợp lý, khoa học trước và sau khi tiêm sẽ giúp phát huy tốt nhất tác dụng của vắc xin. Người được chủng ngừa vaccine cần tránh uống rượu trước và sau tiêm, ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ và nguyên hạt, uống đủ nước, nghỉ ngơi đầy đủ và nên ăn trước khi tiêm chủng. Đặc biệt, có thể sinh hoạt bình thường sau tiêm chủng nếu sức khỏe cho phép.