Hai cách đăng ký tiêm vaccine Covid-19 qua mạng

  •  
  • 405

Người Việt có thể chủ động đăng ký tiêm cho mình và người thân qua ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử hoặc website Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19.

Sau khi Nền tảng quản lý tiêm chủng Covid-19 quốc gia được triển khai hôm 10/7, người dân có hai cách để đăng ký tiêm phòng. Cả hai cách đều yêu cầu một số điện thoại liên hệ, smartphone hoặc máy tính kết nối Internet, đồng thời người đăng ký cần cung cấp các thông tin về ngày sinh, số căn cước công dân, nơi ở.

Đăng ký qua ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử

Với phương thức này, người dùng cần có smartphone chạy iOS hoặc Android, sau đó tải app "Sổ sức khỏe điện tử" do Văn phòng Bộ Y tế cung cấp trên các kho ứng dụng. Người dùng nhập họ tên, số điện thoại và mật khẩu để đăng ký tài khoản. Hệ thống sẽ gửi về điện thoại mã OTP để xác nhận. Sau khi điền, tài khoản sẽ được tạo.

Tính năng Đăng ký tiêm chủng được đặt ở giao diện chính. Người dùng cần nhập một số thông tin cá nhân bắt buộc, như ngày/tháng/năm sinh, giới tính, số CMND/CCCD, địa chỉ, ngày đăng ký tiêm, nghề nghiệp và chọn thứ tự ưu tiên tiêm theo quy định.

Hai bước tiếp theo gồm khai báo tiền sử tiêm, phiếu xác nhận đồng ý. Sau khi hoàn tất, người dùng sẽ nhận được thông báo đăng ký thành công.


Ba bước đăng ký tiêm chủng trong ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử.

Phương thức này phù hợp với những người có smartphone, tự đăng ký cho bản thân. Ngoài tính năng đăng ký tiêm, ứng dụng cũng tích hợp Chứng nhận tiêm chủng bằng mã QR, thể hiện số lần tiêm của người dùng, mở đường cho Hộ chiếu vaccine sau này.

Trong trường hợp không có smartphone, người dân có thể đăng ký bằng biểu mẫu trên giấy với đầy đủ các thông tin như trên, sau đó gửi về UBND xã, phường, thị trấn. Địa phương sẽ hỗ trợ nhập nội dung vào phần mềm Sổ sức khỏe điện tử. Việc này hiện được áp dụng tại Hà Nội.

Đăng ký qua website Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19

Cổng thông tin được cung cấp qua website https://tiemchungcovid19.gov.vn/. Trên website có mục Đăng ký tiêm. Người dùng có thể đăng ký cho mình, người thân hoặc cho tổ chức.

Việc đăng ký cũng yêu cầu đầy đủ thông tin, bao gồm họ tên, số điện thoại, ngày/tháng/năm sinh, giới tính, số CMND/CCCD, địa chỉ, nghề nghiệp và chọn thứ tự ưu tiên tiêm theo quy định.

Thông qua website này, người dùng có thể đăng ký cho mình, người thân hoặc cho tổ chức.
Thông qua website này, người dùng có thể đăng ký cho mình, người thân hoặc cho tổ chức.

Sau khi điền đủ thông tin, người dùng sẽ được đưa đến trang khai báo tiền sử bệnh (nếu có) và phiếu đồng ý. Sau khi hoàn tất, một mã OTP sẽ được gửi về số điện thoại đăng ký.

Việc đăng ký qua website của Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19 cho phép những người không có smartphone vẫn có thể đăng ký tiêm. Ngoài ra, người sử dụng cũng dễ dàng đăng ký cho người thân.

Sau khi đăng ký hoàn tất, người dùng sẽ nhận được thông báo về việc đăng ký này nhằm "Thu thập nhu cầu và thông tin để lập danh sách đăng ký tiêm theo từng địa bàn". Khi có kế hoạch tiêm cụ thể, người dân sẽ được liên hệ qua số điện thoại.

Tuy nhiên, không phải ai đăng ký trước sẽ được tiêm trước. Theo ông Nguyễn Trường Nam, Phó cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế), các thông tin người dùng nhập sẽ được chuyển đến các điểm tiêm chủng. Các điểm tiêm sẽ sàng lọc, đánh giá tính chính xác của thông tin và lên danh sách. Khi có vaccine, người dân sẽ nhận thông báo đến khám sàng lọc và lịch tiêm cụ thể.

Ông Nam cũng cho biết, hệ thống sẽ chia nhóm ưu tiên theo quy định, mà người dùng nhập vào khi đăng ký. Dựa vào thông tin này, hệ thống sẽ phân loại để sắp xếp lịch tiêm phù hợp.

Cập nhật: 13/07/2021 Theo VnExpress
  • 405