Nỗi sợ dường như do khả năng ngửi mà ra, và người ta có thể dập tắt nó chỉ đơn giản bằng cách "ngắt" một vài vùng cảm thụ trên não, các nhà khoa học Nhật Bản tuyên bố.
Trong một thí nghiệm trên chuột, các nhà nghiên cứu đã xác định và loại bỏ một vài cảm thụ quan trên vùng não khứu giác. Kết quả là họ có được một lứa chuột không biết sợ là gì. Để chứng minh quan điểm này, nhóm nghiên cứu đã đưa ra những bức ảnh chụp một con chuột nhỏ xíu so với một con mèo, đang khịt khịt vào tai nó, hôn và thậm chí còn đùa nghịch vòng cổ của "kẻ thù".
"Chúng phát hiện mùi của kẻ thù, như một con mèo, nước tiểu của một con cáo hay báo tuyết, nhưng không hề tỏ ra sợ hãi. Lũ chuột thậm chí còn thể hiện sự tò mò mãnh liệt, song chúng không thể biết mùi đó là dấu hiệu nguy hiểm", Hitoshi Sakano từ Khoa Sinh lý và Sinh hoá của Đại học Tokyo, cho biết.(Ảnh: Telegraph.co.uk)
"Những con chuột này vui vẻ với các con mèo. Nhưng trước khi chụp ảnh, chúng tôi đã phải cho mèo ăn no", ông kể lại.
Các chuyên gia từ lâu vẫn cho rằng nỗi sợ của động vật có thể bị kích hoạt bởi sự thính nhạy với mùi vị. Nhưng đây là lần đầu tiên họ khám phá ra rằng sự đánh hơi và quá trình giải mã nó thành nỗi sợ diễn ra ở những điểm khác nhau trên vùng não khứu giác.
Sakano và cộng sự đã tạo ra 2 dòng chuột - một dòng thiếu các cảm thụ quan để giải mã mùi vị và dòng kia thiếu các cảm thụ quan phát hiện mùi. Cả hai nhóm sau đó được tiếp xúc với nước tiểu của kẻ thù, như báo tuyết và cáo.
"Nhóm đầu tiên vẫn ngửi thấy mùi và hào hứng chơi đùa, nhưng không hề cảm thấy sự nguy hiểm", Sakano nói. Ở nhóm hai, "chúng rất khó khăn trong việc phát hiện mùi, nhưng ngay khi đã biết đó là nước tiểu của cáo, chúng co rúm lại và có xu hướng đờ đẫn. Đó là vì chúng biết sợ".
Chuột có khoảng 1.000 gene cảm thụ mùi, trong khi con người chỉ có 400 gene hoạt động, và khoảng 800 gene là bất hoạt.
Thuận An