Những ý kiến của giới khoa học về câu hỏi kinh điển: Nàng Mona Lisa có cười hay không?

Mona Lisa chính là bức họa nổi tiếng nhất của danh họa Leonardo da Vinci, được vẽ vào thế kỷ 16. Đây là một bức chân dung sơn dầu được vẽ trên một tấm gỗ dương. Kiệt tác này hiện thuộc sở hữu của Chính phủ Pháp và được trưng bày tại bảo tàng Louvre ở Paris.

Nguyên mẫu nàng Mona Lisa được cho là phu nhân Lisa Gherardini, vợ của Francesco del Giocondo. Điều khiến bức họa này sau 5 thế kỷ vẫn nổi tiếng và gây tranh cãi chính là sự bí ẩn. Gương mặt Mona Lisa tạo ra một không khí hư ảo, mê hoặc và chưa một ai có thể lý giải được.


Chúng ta có thể sẽ không bao giờ biết chính xác Mona Lisa đang nghĩ gì, nhưng thật thú vị khi suy ngẫm về các khả năng

Biểu cảm của nàng giống như đang cười, nhưng cũng lại giống như đang u buồn, suy tư. Đây chắc chắn vẫn mãi là câu hỏi không thể có lời giải đáp chính xác 100%. Thế nhưng các nhà khoa học cũng đã vận dụng rất nhiều lý thuyết và phân tích để cố gắng giải mã bí mật này. Lý giải dưới góc độ khoa học thần kinh, mỗi nhà nghiên cứu lại cho ra kết quả bất ngờ.

Ý kiến về “nụ cười giả dối”

Một nhóm nghiên cứu bao gồm Tiến sĩ Luca Marsili, một nhà thần kinh học từ Đại học Y khoa Cincinnati, Tiến sĩ Lucia Ricciardi của Đại học St. George ở London và Matteo Bologna của Đại học Sapienza ở Rome đã công bố kết quả một dự án vào năm 2019 cho biết nhiều khả năng, Mona Lisa đang cười.

Các tác giả của nghiên cứu đã yêu cầu 42 tình nguyện viên nhìn vào hình ảnh của hai bên nụ cười của nàng Mona Lisa và nhận định đó là cảm xúc gì. Có tới 39 người, tương đương 92,8% cho biết nửa bên trái là nụ cười, cong lên trên một chút, thể hiện sự hạnh phúc. Thế nhưng bên phải gương mặt Mona Lisa không có nụ cười. 35 người cho rằng nụ cười bên phải là trung tính, 5 cho rằng đó là cảm xúc tiêu cực, đang khinh bỉ và 2 người nhìn thấy sự buồn bã.


Nụ cười của Mona Lisa phía bên trái (ảnh c) và nụ cười phía bên phải (ảnh d) tạo cảm giác đối lập nhau

Các chuyên gia cũng nhận định rằng rằng các cơ ở mặt trên của Mona Lisa không được kích hoạt. Nụ cười chân thật của con người sẽ khiến má hếch lên và các cơ xung quanh mắt co lại. Đây được gọi là nụ cười Duchenne, được đặt theo tên nhà thần kinh học nổi tiếng người Pháp thế kỷ 19 - Guillaume Duchenne.

Nụ cười không đối xứng, còn được gọi là nụ cười không “đạt chuẩn” Duchenne "phản ánh một cảm xúc không chân thực và được cho là xảy ra khi đối tượng nói dối". Vì thế, Mona Lisa đã không cười chân thật và có thể da Vinci đã yêu cầu nàng diễn một nụ cười méo mó.

"Nụ cười bất đối xứng của Mona Lisa là một nụ cười không chân thật, đang cố gắng diễn vẻ giả dối. Tất nhiên, "nói dối" có thể là một từ mạnh mẽ để sử dụng ở đây. Chúng ta phải thừa nhận rằng khó có ai được yêu cầu ngồi yên trong nhiều giờ có thể duy trì một nụ cười thực sự hạnh phúc trong suốt thời gian đó”, nghiên cứu viết.

Trước đó, từng có chuyên gia cho rằng sự bất đối xứng trong nụ cười của Mona Lisa là do khuôn mặt bị suy yếu vì triệu chứng bệnh liệt Bell, tức liệt dây thần kinh số 7.

Nụ cười nàng Mona Lisa và thí nghiệm tâm lý

Năm 2017, các nhà nghiên cứu tại Viện Tâm lý và Sức khỏe Tâm thần Freiburg, Đức lại tuyên bố nàng Mona Lisa đang cười. Họ đã tiến hành 2 thí nghiệm. Đầu tiên, họ cho những người tham gia xem bức tranh gốc Mona Lisa cùng với 8 biến thể của bức tranh với độ cong của miệng được thay đổi thành các cấu hình vui và buồn.

Tổng cộng chín bức tranh đó được hiển thị theo thứ tự ngẫu nhiên cho những người tham gia 30 lần. 12 người tham gia đã xác định những khuôn mặt hạnh phúc nhanh hơn và chính xác hơn những biểu hiện buồn. Phiên bản gốc của bức tranh được gần 100% các tình nguyện viên xếp vào hạng “hạnh phúc”.


Các nhà khoa học "biến tấu" nụ cười của Mona Lisa thành nhiều phiên bản dựa theo độ cong của khóe miệng

Trong thí nghiệm thứ hai, các nhà nghiên cứu đã đi sâu vào những hình ảnh thể hiện cảm xúc buồn. Sử dụng bản gốc làm “tiêu chuẩn” biểu hiện vui vẻ nhất, họ đưa ra 7 phiên bản Mona Lisa trông ủ rũ hơn, trong đó có 3 phiên bản đã được đưa ra từ thí nghiệm trước.

Những người tham gia hầu hết đều đánh giá những hình ảnh mà họ đã thấy trước đây ở mức buồn hơn so với nhận định của chính mình trong thí nghiệm đầu tiên. Nói cách khác, khi có hình ảnh buồn khác, những người tham gia nhận thấy tất cả các hình ảnh đều trông buồn hơn về tổng thể.

“Dữ liệu cho thấy nhận thức của chúng ta, chẳng hạn như việc buồn hay vui, không phải là tuyệt đối mà thích nghi với môi trường với tốc độ đáng kinh ngạc”, nghiên cứu công bố trên tạp chí Scientific Reports cho biết.

Điều đó không có nghĩa là ý kiến của hàng chục tình nguyện viên nghiên cứu người Đức sẽ lật ngược được suy đoán hàng thế kỷ.


Nụ cười nàng Mona Lisa mãi là một bí ẩn thú vị

Trước đó, đã có nghiên cứu khác chỉ ra rằng Leonardo da Vinci thực sự có thể đang lừa người xem và Mona Lisa sử dụng “công nghệ” ảo ảnh quang học do danh họa phát triển, để tạo ra thứ gọi là "nụ cười không thể chạm tới". Ảo ảnh này khiến cho mắt người khi nhìn tổng thể sẽ thấy đối tượng có vẻ đang mỉm cười. Tuy nhiên, khi người xem tập trung vào miệng, cảm giác u buồn của nhân vật lại hiện ra. Khi xem bức tranh từ các góc độ và khoảng cách khác nhau và với các mức độ mờ khác nhau, chúng ta sẽ cảm nhận các nét mặt khác nhau. Sự mơ hồ là hiệu ứng là có chủ ý của họa sĩ và ông đã thành công xuất sắc.

Thực chất, đã có quá nhiều nghiên cứu, báo cáo khoa học được đưa ra chỉ để trả lời câu hỏi: Nàng Mona Lisa có mỉm cười hay không, nàng đang vui hay buồn? Các suy đoán, lập luận chỉ có thể mở ra cho chúng ta các khả năng, còn sự thật thì vĩnh viễn chỉ có một mình Leonardo da Vinci biết.

Cập nhật: 29/10/2022 PNVN
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video