Phát hiện bức tượng khổng lồ của Hoàng hậu Ai Cập cổ

Các nhà khoa học đã phát hiện bức tượng được bảo quản gần như nguyên vẹn của một hoàng hậu Ai Cập quyền uy tại ngôi đền chứa thi thể của Amenhotep III, nằm ở bờ tây Luxor, hiện đang trong tình trạng ngổn ngang.

Nhóm các nhà khoa học Ai Cập và châu Âu phát hiện bức tượng người cao 3,6 m bằng thạch anh kết tụ gắn với phần chân gãy rời của một bức tượng khổng lồ của Amenhotep III, cai trị Ai Cập khoảng từ năm 1390 đến 1350 trước Công nguyên.

Các chuyên gia cho biết bức tượng mới được phát hiện là của Hoàng hậu Tiye – ái thê của Amenhotep III và là người phụ nữ có sức ảnh hưởng lớn nhất trong suốt 38 năm trị vì của nhà vua. Phát hiện này chứng thực cho những giả thiết rằng những thành viên nữ của hoàng tộc đang dần chiếm ưu thế và gây ảnh hưởng trong suốt giai đoạn này.

Khu phức hợp đền thờ này rộng khoảng 700m là khu đền thờ cổ rộng lớn nhất của Ai Cập. Điểm thu hút nổi bật nhất của nó là tượng khổng lồ Memnon – hai bức tượng giống hệt nhau cao 21m đứng chắn ngay lối vào ngôi đền. Nhưng khu vực này đã bị những trận động đất khủng khiếp tàn phá trong thời kỳ các Pharaoh vào thế kỷ thứ nhất sau Công nguyên, vì vậy khám phá một bức tượng còn nguyên vẹn là điều cực kỳ hiếm hoi.

Theo Hourig Sourouzian, chỉ huy nhóm khảo cổ và đã nghiên cứu khu vực này từ năm 2000, “Thật kỳ lạ là bà ấy không bị nghiền nát. Phần chân của bức tượng lớn hơn bị hủy hoại nặng nề vì vậy thật ngạc nhiên là tượng hoàng hậu đặt ngay phía sau nó lại còn nguyên vẹn. Và hoàng hậu rất đẹp.” Các nhà khảo cổ học cũng phát hiện được hai tượng nhân sư biểu trưng cho Amenhotep III và Hoàng hậu Tiye, thêm vào đó là 10 bức tượng đá granit của Sekhmet, nữ thần sư tử.

Phát hiện bất ngờ

Bức tượng hoàng hậu được phát hiện khi người ta nỗ lực phục hồi những mảnh vụn của bức tượng bị tàn phá từng án ngữ sừng sững trong phức hợp đền thờ. Đền thờ này lúc đầu có sáu bức đại tượng của Amenhotep III ở vị trí ngồi, đặt theo cặp tại ba cột đền cách nhau khoảng 100m. Trong những cái cột và tượng thì chỉ còn Bức tượng Memnon gần cột thứ nhất là còn nguyên vẹn.

Sourouzian, Giám đốc Dự án bảo tồn Tượng Memnon và Đền thờ Amenhotep III, cho biết nhóm của bà đang đào bới xung quanh bức tượng ở phía bắc cột thứ hai để xác định một mảnh thạch anh chưa hình thành. “Đầu tiên chúng tôi thấy ngón tay cái, nhưng khối đá lớn dần lên và chúng tôi vô cùng ngạc nhiên về vị hoàng hậu xinh đẹp này, nằm bên chân của nhà vua.” Hoàng hậu Tiye thường được miêu tả đứng bên chân phải của tượng Amenhotep III và bên chân trái là mẹ ông, Mutemwiya. Trên bức tượng được khắc những danh hiệu “công chúa hoàng tộc, đầy vinh quang, người yêu dấu của nữ thần cây tiêu huyền và nữ chúa của hai vùng đất.”

Nhóm khảo cổ cũng phát hiện mười bức tượng Sekhmet mới – vị nữ thần đầu sư tử, đại diện của chiến tranh và chữa lành. Theo Zahi Hawass, Tổng thư ký của Hội đồng cổ vật tối cao của Ai Cập, thì kể từ nằm 2000, 84 bức tượng của nữ thần này đã được phát hiện tại ngôi đền, có lẽ là dấu hiệu cho thấy sức khỏe của Amenhotep III đang suy giảm khi ông già đi. “Có lẽ vào cuối triều đại của mình, Amenhotep III hơi yếu đi và ông ta dựng nên những bức tượng của Sekhmet để nữ thần có thể chữa lành bệnh cho nhà vua.”

Thời đại hoàng kim

Các chuyên gia cho rằng kích cỡ ngôi đền của Amenhotep III và quy mô cũng như số lượng tượng ông ta cho thấy sự phồn vinh của Ai Cập trong triều đại của ông. Thời đại trị vì của ông thường được gọi là đỉnh cao của Tân Quốc, vốn được biết là “Thời đại hoàng kim” của Ai Cập cổ. Amenhotep thấy trước sự bành trướng của biên giới Ai Cập, củng cố ngoại giao và xây dựng với một tốc độ đầy tham vọng và vượt xa các vị pharaoh khác.

Các nhà khoa học đã phát hiện một bức tượng được bảo quản gần như nguyên vẹn của Hoàng hậu Ai Cập Tiye – ái thê của Hoàng đế Amenhotep III - tại ngôi đền chứa thi thể của Amenhotep III ở Luxor, hiện đang trong tình trạng ngổn ngang. (Ảnh: Steven Stanek)

Sourouzian cho biết: “Đó là đỉnh cao của nền văn minh Ai Cập, sự mở rộng quy mô nhất, của cải nhiều nhất, quyền lực cao nhất…và bức tượng, chính vì vậy, có kích cỡ vô cùng lớn. Nhà vua có những phân xưởng tốt nhất, những nghệ sĩ và các nhà điêu khắc – ngài sử dụng tất cả đá và khoáng vật có sẵn trong các mỏ.”

Tượng được xây để bảo vệ các ngôi đền cổ nhưng cũng là phương tiện biểu lộ tính thần thánh của người cai trị. Ý nghĩa thứ hai có tầm quan trọng ngày càng tăng dưới triều đại của Amenhotep III. Theo W. Raymond Johnson, nhà Ai Cập học tại Viện Đông phương thuộc Đại học Chicago, “Tượng có quyền được xem là thần linh… và chúng đóng vai trò làm cầu nối giữa thần linh và con người. Chúng bảo vệ khu phức hợp đền và chúng là sự mở rộng tính thần thánh của nhà vua.”

Những bức tượng nhà vua khổng lồ từng nhìn xuống khoảng sân ngoài trời rộng rãi của ngôi đền, mặc dù những bức tượng này được đẽo trong tư thế đứng, chứ không phải ngồi.

Người phụ nữ quyền lực

Triều đại thứ 18 của Ai Cập, bao gồm vương triều của Amenhotep III, được cho là một thời kỳ chứng kiến sự lên ngôi của nữ quyền, đặc biệt là trong tầng lớp hoàng tộc. Bức tượng mới được phát hiện đã bổ sung cho giả thiết trên. Theo Sourouzian “Bức tượng cho thấy những phụ nữ thân cận với ngai vàng quan trọng đến nỗi họ được công chúng hóa rộng rãi dưới dạng tượng." Ông cũng cho biết thêm là một trong những tước hiệu của Hoàng hậu Tiye là Hoàng hậu vĩ đại.

Johnson thuộc Viện nghiên cứu Đông phương cũng thống nhất với ý kiến trên. “Bức tượng này là một chứng cứ xác thực về tầm quan trọng ngày càng tăng của họ. Chúng ta biết được từ những công trình khác và loại công trình này rằng Hoàng hậu Tiye chia sẻ quyền lực với chồng mình. Và tình trạng này lên đến cao nhất ở thời của Akhenaten (con trai của Amenhotep III) và Nerertiti. Họ dường như gần đến mức bình đẳng trong việc chia sẻ quyền lực.”

Hậu quả của trận động đất

Phần lớn các chuyên gia tin rằng một trận động đất khủng khiếp đã phá hủy đền thờ vào một khoảng thời gian thuộc thế kỷ thứ nhất sau Công nguyên. Sourouzian cho biết chứng cứ về một trận động đất xảy ra và thời đại Ramessid, tiếp theo triều đại thứ 18, suốt thời gian trị vì của Merenptah (năm 1212 đến 1203 trước Công nguyên). Những phiến đá của tường đền, gạch của những cây cột khổng lồ và bức tường rào bị sử dụng lại ở những ngôi đền lân cận.

Hai bức tượng khổng lồ canh giữ ngôi đền đã mất của Pharaoh Amenhotep III (Ảnh: Nancy Gupton)

Một số chuyên gia cho rằng ngôi đền bị cố ý phá hỏng vì mục tiêu khai thác lại nhưng Sourouzian cho rằng các nhà địa chấn học và các nhà địa chất học đã chứng tỏ rằng ngôi đền này bị phá hủy vì các hoạt động địa tầng. “Cơn động đất này rất mạnh, trong suốt thời gian này các bức tượng gần như ‘nhảy đi’. Chúng không chỉ bị ngã đổ, chúng dịch chuyển ra xa vị trí của mình.”

Một phần trong công việc của bà là một kế hoạch lâu dài đầy tham vọng để xác định những mảnh vỡ của các bức tượng, xếp chúng lại với nhau và dựng lại ở chỗ của chúng cách đây khoảng 3.400 năm. Trong lần thực nghiệm gần đây, nhóm của bà dựng một bức tượng đứng cao khoảng 7,5m của Amenhotep III vào vị trí ban đầu, khiến cho đây là bức tượng khổng lồ đầu tiên nằm trong Các bức tượng Memnon. Các quan chức Ai Cập hy vọng đây sẽ là một bảo tàng ngoài trời độc đáo.

Sourouzian phát biểu “Phần lớn những ngôi đền còn lại các bức tường, sân, điện thờ và thậm chí là trần nhưng chúng đã mất đi phần lớn các tượng và vật dụng trong đền. Trái lại ở ngôi đền này, tường, trần, cột, tháp đã mất nhưng các bức tượng và bia vẫn tồn tại.”

Phát hiện này được cho là bổ sung cho giải thiết rằng các thành viên nữ trong hoàng tộc trở nên ngày càng có sức ảnh hưởng trong triều đại thứ 18 của Ai Cập cổ.

Tuệ Minh (Theo National Geographic)
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video