Tuyến ức - một tuyến nhỏ nằm sau xương ức, trong lồng ngực, trải dài từ dưới cổ họng đến trước tim - có khả năng ngăn ngừa sẩy thai và bệnh tiểu đường ở phụ nữ mang thai. Với phát hiện này, nhóm các nhà khoa học quốc tế cho biết họ đã giải đáp một trong những bí ẩn lớn nhất của hệ miễn dịch.
Mặc dù các nhà khoa học từ lâu biết rằng tuyến ức là cơ quan trung tâm của hệ miễn dịch, nhưng nó thay đổi như thế nào trong thời kỳ mang thai để hỗ trợ mẹ và bé vẫn còn là bí ẩn trong nhiều thập kỷ.
Tuyến ức được phát hiện giúp bảo vệ sức khỏe bà bầu và em bé trong thai kỳ.
Nhóm nghiên cứu cho biết các hormone sinh dục nữ giúp tuyến ức sản sinh loại tế bào chuyên biệt có tên “Tregs” nhằm thích ứng với những thay đổi sinh lý khi mang thai. Tuy nhiên, để Tregs thực hiện tốt nhiệm vụ của nó thì cần phải có một thụ thể gọi là RANK. Cơ quan thụ cảm đặc biệt này nằm trong một vùng của tuyến ức gọi là biểu mô. Tiến sĩ Magdalena Paolino thuộc Viện Karolinska ở Thụy Điển cho biết nếu thiếu RANK, tuyến ức không thể sản xuất Tregs trong thời kỳ mang thai, khiến lượng Tregs trong nhau thai ít ỏi và thai phụ có nguy cơ cao bị sẩy thai.
“Chúng tôi biết RANK hiện diện trong tuyến ức, nhưng vai trò của nó trong quá trình mang thai vẫn chưa được biết rõ” - theo tác giả chính của nghiên cứu, Giáo sư Josef Penninger tại Đại học Y Vienna (Áo). Để hiểu rõ hơn về vai trò của cơ quan này trong thai kỳ, các chuyên gia đã tiến hành loại bỏ các thụ thể RANK ở chuột mang thai. Kết quả cho thấy những con chuột thiếu RANK có nguy cơ sẩy thai cao hơn. Ngay cả những chuột mẹ không bị sẩy thai, nhóm nghiên cứu nhận thấy con của chúng cũng dễ mắc bệnh tiểu đường và thừa cân khi lớn lên. Trái lại, bổ sung tế bào Tregs cho những con chuột bị thiếu RANK đã giúp chúng cải thiện mọi vấn đề sức khỏe.
Tiến hành kiểm tra những phụ nữ mắc bệnh tiểu đường khi mang thai, các chuyên gia phát hiện những thai phụ này có số lượng tế bào Tregs trong nhau thai thấp hơn. Điều đó chứng tỏ tuyến ức đóng một vai trò quan trọng trong việc đảm bảo phụ nữ có một thai kỳ khỏe mạnh. Giáo sư Penninger nhận định công trình nghiên cứu tiến hành trong nhiều năm này phát hiện các hormone thai kỳ điều chỉnh tuyến ức thông qua RANK, đồng thời khám phá chức năng mới của nó. Đó là “tuyến ức không chỉ thay đổi hệ miễn dịch của người mẹ để dễ dàng tiếp nhận thai nhi, mà nó còn kiểm soát sức khỏe trao đổi chất của người mẹ”.
“Nghiên cứu này cho thấy tuyến ức là một cơ quan hoạt động tích cực và cần thiết để bảo vệ thai kỳ” - Giáo sư Penninger đưa ra kết luận trong nghiên cứu đăng tải trên tạp chí Nature. Các chuyên gia tin rằng từ những phát hiện trên, các phương pháp điều trị mới nhắm vào tuyến ức có thể đảm bảo một thai kỳ khỏe mạnh, đặc biệt ở những phụ nữ mắc bệnh tiểu đường, từ đó bảo vệ tốt hơn cho sức khỏe của mẹ và em bé trong tương lai.