Phát hiện dấu vết loài người khác sống giữa "mùa đông núi lửa"

Các nhà khảo cổ vừa tìm thấy dấu vết khó tin của những cá thể thuộc loài người khác từng lang thang ở Ấn Độ 74.000 năm trước, nơi bấy giờ đang là tử địa bởi mùa đông núi lửa Toba.

Nhóm khoa học gia từ Viện Max Planck về Khoa học và lịch sử nhân loại (Đức), Đại học Allahabad (Ấn Độ), Đại học Macquarie và Đại học Queensland (Úc) vừa tìm thấy bằng chứng đầu tiên của những cá thể thuộc chi Người đã sống sót ngoài châu Phi trong kỷ nguyên thảm khốc 74.000 năm trước, khi thảm họa siêu núi lửa Toba khiến các miền đất khác gần như biến thành "tử địa".

Toba là một núi lửa đáng sợ ở Indonesia. Trong đợt phun trào này, nó đã đem đến cho trái đất một mùa đông tăm tối kéo dài tận 10 năm do tro bụi che phủ ánh mặt trời. Suốt 1.000 năm sau đó, trái đất vẫn lạnh giá hơn bình thường.


Các công cụ đá tìm được ở Ấn Độ cho thấy có ít nhất một loài người bí ẩn đã sống sót ở "tử địa" trong thảm họa Toba - (ảnh: Chris Clakson).

Ngay cả ở châu Phi, tổ tiên chúng ta, những người Homo sapiens cũng đã trải qua một giai đoạn khó khăn, gần như tuyệt chủng, và chỉ tồn tại được nhờ sự khéo léo trong tìm kiếm nguồn sống.

Thế nhưng, một cách khó tin, các nhà khoa học đã tìm thấy các bộ công cụ có niên đại trùng khớp với thảm họa Toba ngay tại Dhaba, thuộc thung lũng Middle Son, Ấn Độ, một nơi đủ gần để bị ảnh hưởng mạnh từ vụ phun trào. Phân tích sâu hơn các bằng chứng cho thấy cộng đồng này đã tồn tại trong suốt thời gian từ 80.000 - 25.000 năm về trước.

Theo giáo sư Chris Clakson (Đại học Queensland), thành viên nhóm nghiên cứu, dân cư Dhaba cổ đại đã sử dụng các công cụ tương đồng với người Homo Sapiens ở châu Phi thời điểm đó. Họ có thể là người Neanderthals, người Denisovans hay một loài người khác chưa được xác định.

Nhưng có điều rõ ràng đó không phải tổ tiên trực tiếp của chúng ta vì Homo Sapiens mãi 60.000 năm trước, khi dân số phục hồi đủ mạnh sau thảm họa Toba, mới rời châu Phi. Đây là một điều may mắn bởi trong "mùa đông núi lửa", châu Phi có thể tạm coi là dễ sống. Theo tính toán, sau khi Toba phun trào, bầu trời trên nơi là Indonesia ngày nay bị che khuất bởi đám mây tro dày tới 100 cm, trong khi ở Ấn Độ là 5cm, ở châu Phi là 0,1cm.

Trong khi đó, một số nhóm thuộc các loài người tuyệt chủng như Denisovans hay Neanderthals được cho là đã rời cái nôi của nhân loại khá lâu trước đó. Một số nhóm có thể vẫn ở lại và chỉ rời đi cùng lúc hoặc sau những tốp Homo Sapiens đầu tiên.

Cho đến nay, tàn tích của "hung thần" gây ra mùa đông núi lửa khiến con người gần tuyệt chủng chính là hồ Toba ở Indonesia. Nó rộng đến 30km, dài 100km và sâu đến hơn 500m.

Cập nhật: 28/02/2020 Theo NLĐ
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video