Một nhóm các nhà nghiên cứu quốc tế đã phát hiện ra các dấu tích của một loài người tiền sử mới ở Philippines, chứng minh khu vực này đóng một vai trò quan trọng trong lịch sử tiến hóa của Tông người.
Loài mới - Homo luzonensis, được đặt theo tên đảo Luzon, nơi hóa thạch hơn 50.000 năm tuổi được tìm thấy trong các cuộc khai quật tại hang Callao.
Đồng tác giả và là thành viên chính của nhóm - Giáo sư Philip Piper, từ Đại học Quốc gia Australia (ANU) cho biết phát hiện này thể hiện một bước đột phá lớn trong sự hiểu biết của chúng ta về sự tiến hóa của loài người trên khắp khu vực Đông Nam Á.
Giáo sư Philip Piper. (Ảnh:Science Daily).
Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra hài cốt của ít nhất 2 người trưởng thành và một người chưa thành niên trong cùng một địa điểm khảo cổ.
"Hóa thạch còn lại bao gồm xương ngón tay và xương ngón chân trưởng thành, cũng như răng. Chúng tôi cũng đã phục hồi xương đùi của một trẻ nhỏ. Có một số mẫu vật thực sự thú vị - ví dụ, những chiếc răng rất nhỏ", giáo sư Piper nói.
"Kích thước của răng nói chung, dù không phải luôn luôn đúng, đã phản ánh kích thước cơ thể tổng thể, vì vậy chúng tôi nghĩ loài Homo luzonensis có thể tương đối nhỏ. Chính xác là chúng tôi chưa biết đến mức nào. Chúng tôi cần tìm một số yếu tố về xương. từ đó có thể đo kích thước cơ thể chính xác hơn", ông Piper nói.
"Thật không thể tin được, các chi, gồm xương bàn tay và bàn chân, rất giống với mẫu vật của người Australopithecine. Người Australopithecine cuối cùng xuất hiện trên trái đất ở châu Phi vào khoảng 2 triệu năm trước và được coi là tổ tiên của chi Người, bao gồm cả người hiện đại.
Vì vậy, câu hỏi đặt ra là liệu một trong số những mẫu vật này tiến hóa theo sự thích nghi với cuộc sống trên đảo hoặc chúng là những đặc điểm giải phẫu được truyền lại cho loài Homo luzonensis từ tổ tiên trong hơn 2 triệu năm trước", ông Piper cho biết.
Trong khi vẫn còn nhiều câu hỏi xung quanh nguồn gốc của Homo luzonensis và tuổi thọ của loài người này trên đảo Luzon, các cuộc khai quật gần đây gần hang Callao đã đưa ra bằng chứng về một con tê giác bị săn bắt và các công cụ bằng đá có niên đại khoảng 700.000 năm trước.
Giáo sư Piper nói: "Không có hóa thạch loài hominin nào được phục hồi, nhưng điều này cung cấp khung thời gian cho sự hiện diện của loài này trên đảo Luzon".
Homo luzonensis có một số đặc điểm tương đồng về xương độc đáo với loài Homo floresiensis hay còn được gọi là "hobbit", được phát hiện trên đảo Flores ở phía đông nam quần đảo Philippines.
Ngoài ra, các công cụ bằng đá có niên đại khoảng 200.000 năm trước đã được tìm thấy trên đảo Sulawesi, điều này có nghĩa là người vượn cổ đại có khả năng sinh sống ở nhiều hòn đảo lớn của Đông Nam Á.