navigation

Phát hiện mới về cư dân châu Âu vào thời kỳ Đồ đá

Theo những nghiên cứu của các nhà nhân loại học châu Âu và Australia được công bố ngày 10/10 trên tạp chí Khoa học của Mỹ, vào thời kỳ Đồ đá, những người tiền sử sống bằng săn bắt-hái lượm và những người làm nghề nông đã có một thời gian dài cùng tồn tại và sống sát cạnh nhau ở khu vực Trung Âu.

Thời gian hai nhóm người này cùng tồn tại bên nhau kéo dài khoảng 2.000 năm, lâu hơn so với suy nghĩ trước đây.

Những nghiên cứu này được thực hiện dựa trên việc phân tích ADN lấy từ hài cốt của 364 người tiền sử tại 25 địa điểm ở vùng ngã ba sông Elbe và Saale, và hài cốt của 25 người tại một hang động ở vùng Westphalia, nước Đức.


Ảnh: kenh14

Theo các nhà nghiên cứu, những người sống bằng săn bắt-hái lượm và cả những người làm nghề nông đều không thể được coi là tổ tiên duy nhất của người Trung Âu hiện nay.

Cách đây 7.500 năm, cư dân ở vùng Trung Âu sống bằng phương thức săn bắt-hái lượm. Họ là con cháu của những người hiện đại đầu tiên tới châu lục này cách đây 45.000 năm. Bộ phận cư dân săn bắt-hái lượm này đã sống sót qua thời kỳ băng hà cuối cùng và thời kỳ Trái Đất bắt đầu nóng lên, diễn ra cách đây khoảng 10.000 năm.

Trong khi đó, nền văn minh nông nghiệp từ khu vực Trung Đông bắt đầu dịch chuyển tới Trung Âu cách đây 7.500 năm và sau đó đã phát triển trên khắp châu Âu, cùng với nó là sự xuất hiện của cộng đồng dân cư làm nghề nông, cụ thể là gieo trồng ngũ cốc, chăn nuôi gia súc và làm các nghề thủ công.

Tuy nhiên, trái với suy đoán phổ biến trước đây, cộng đồng cư dân làm nghề nông mới xuất hiện này không phải ngay lập tức "tiêu diệt" cộng đồng cư dân săn bắt-hái lượm. Ngược lại, hai cộng đồng cư dân trên đã cùng tồn tại bên cạnh nhau trong ít nhất 2.000 năm ở Trung Âu. Thậm chí, các kết quả phân tích gene cho thấy đôi khi còn có những trường hợp kết hôn giữa hai cộng đồng này.

Theo các nhà khoa học, phương thức săn bắt-hái lượm của người tiền sử đã biến mất khoảng 5.000 năm trước để chuyển sang hoạt động nông nghiệp.

Theo TTXVN/Vietnam+