Các nhà thiên văn học tìm thấy một hành tinh khí khổng lồ quay quanh ngôi sao NGTS-12 cách Trái đất khoảng 1.500 năm ánh sáng.
Đồ họa mô phỏng hành tinh khí khổng lồ quay quanh ngôi sao NGTS-12. (Video: Hirendra Prakash).
Ngoại hành tinh mới được đặt tên là NGTS-12b có kích thước tương đương sao Mộc - hành tinh khí lớn nhất trong hệ Mặt trời - nhưng nhẹ hơn gấp 4 lần, khiến nó được xếp vào nhóm hành tinh "bị thổi phồng". Thiên thể được phát hiện bởi các nhà nghiên cứu từ Đại học Warwick của Anh trong khuôn khổ Cuộc khảo sát Chuyển tiếp Thế hệ tiếp theo (NGTS).
NGTS là một cuộc khảo sát tập trung chủ yếu vào việc tìm kiếm các ngoại hành tinh có kích thước cỡ sao Hải Vương khi chúng đi qua phía trước ngôi sao và khiến độ sáng của ngôi sao thay đổi. Dự án đã sử dụng một loạt kính thiên văn tự động tại Đài quan sát Paranal ở Chile.
NGTS-12b quay quanh một ngôi sao hơn 9 tỷ năm tuổi, có khối lượng tương đương Mặt trời và nằm cách chúng ta khoảng 1.500 năm ánh sáng. Nếu quan sát từ Trái đất, hệ thống xuất hiện trên bầu trời Nam Bán cầu.
NGTS-12b quay quanh một ngôi sao hơn 9 tỷ năm tuổi.
Theo mô tả trên tạp chí arXiv, NGTS-12b chỉ mất 7,53 ngày để hoàn toàn một vòng quay quanh sao chủ. Lực hấp dẫn bề mặt và mật độ tương đối thấp gợi ý rằng hành tinh này có một bầu khí quyển mở rộng.
"Ngoại hành tinh mới được khám phá có chỉ số quang phổ chuyển tiếp (TSM) khá cao, đặc biệt là khi so sánh với các hành tinh có chu kỳ quỹ đạo tương tự. Do đó, nó mang đến cơ hội nghiên cứu sâu hơn về đặc tính của bầu khí quyển", trưởng nhóm nghiên cứu Edward M. Bryant từ Đại học Warwick nhấn mạnh.