Thời báo Nhật Bản dẫn một nghiên cứu mới đây của Mỹ cho biết việc phơi nhiễm phóng xạ nồng độ thấp kéo dài có liên quan tới sự gia tăng đáng kể nguy cơ mắc bệnh ung thư bạch cầu (leukemia), hay ung thư máu.
Nghiên cứu được công bố ngày 8/11 trên nguyệt san Environmental Health Perspectives này được tiến hành dựa vào dữ liệu điều tra đối với khoảng 110.000 công nhân tham gia dọn dẹp sau thảm họa nguyên tử Chernobyl ở Ukraine năm 1986.
Các nhà khoa học thuộc trường Đại học California, San Francisco, Viện Ung thư Quốc gia Mỹ và Trung tâm Nghiên cứu Quốc gia về Y tế bức xạ ở Ucraina cùng tham gia công trình nghiên cứu trên.
Các nhà khoa học đã tiến hành một cuộc điều tra sức khỏe đối với 110.645 công nhân tham gia dọn dẹp tại Chernobyl từ thời điểm xảy ra thảm họa đến năm 2006.
Trong số các công nhân này, 137 người đã mắc bệnh ung thư máu, trong đó có 79 người ở thể mãn tính.
Trong số những người tham gia điều tra, 87% bị phơi nhiễm liều phóng xạ tích luỹ dưới mức 200 milisievert (mSv) trong khi 78% phơi nhiễm dưới 100mSv.
Điều này cho thấy tác động đối với sức khoẻ của các đối tượng bị phơi nhiễm liều phóng xạ thấp là không thể xem nhẹ.
Sau khi thống kê đã loại bỏ các yếu tố di truyền và các tác động khác vốn có thể gây ra căn bệnh ung thư máu, nghiên cứu trên ước tính xấp xỉ 16% tất cả các trường hợp ung thư máu được chẩn đoán trong khoảng thời gian nghiên cứu kéo dài 20 năm này có thể được xác định là do phơi nhiễm phóng xạ từ thảm họa Chernobyl.
Nhóm nghiên cứu này kết luận phát hiện nêu trên hoàn toàn phù hợp về mặt thống kê với các tính toán đối với những người sống sót sau vụ ném bom nguyên tử ở Nhật Bản.
Các nhà khoa học cho rằng những phát hiện này cũng có ích trong việc đánh giá những tác động của việc phơi nhiễm phóng xạ trong thiết bị y tế.
Trong sự cố nóng chảy nhiên liệu tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1 của Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO) bắt đầu từ ngày 11/3/2011, ngưỡng phơi nhiễm phóng xạ tối đa cho phép đối với các tác nghiệp viên nhà máy tạm thời được nâng lên 250mSv/năm so với mức 100 mSv/năm trước đó.
Hiệu trưởng Đại học Y khoa Kyoto, đồng thời là một chuyên gia về an toàn bức xạ, Keigo Endo, cho biết các dữ liệu trước đó cho thấy nguy cơ gia tăng căn bệnh máu trắng với những người phơi nhiễm liều phóng xạ tích luỹ thấp khoảng 120mSv đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải có những nghiên cứu lâu dài về vấn đề này.