Các nhà khảo cổ Pháp và Na Uy đã khai quật được nhiều nhà thờ, phòng ở của tu sĩ cùng các dòng kinh thánh được khắc lên tường ở sa mạc phía tây của Ai Cập.
Một nhóm khảo cổ gồm các nhà khoa học Pháp và Na Uy đã phát hiện ra những tàn tích mới của Kitô giáo ở sa mạc phía tây của Ai Cập. Tàn tích này tiết lộ về cuộc sống trong các tu viện tại khu vực vào thế kỷ 5, Bộ Cổ vật Ai Cập cho biết.
“Đoàn khảo cổ Pháp - Na Uy đã phát hiện ra một số tòa nhà làm bằng đá bazan, gạch bùn và kiến trúc được tạc vào đá trong chiến dịch khai quật lần thứ ba tại Tal Ganoub Qasr al-Agouz ở ốc đảo Bahariya”, Bộ Cổ vật Ai Cập tuyên bố ngày 13/3, theo Guardian.
Những tàn tích của Kitô giáo các nhà khảo cổ vừa khai quật được ở Ai Cập. (Ảnh: AFP).
Tổ hợp vừa được phát hiện bao gồm “6 khu vực chứa tàn tích của 3 nhà thờ và phòng ở của các tu sĩ”, Osama Talaat, người đứng đầu Vụ Cổ vật Hồi giáo, Coptic và Do Thái tại Bộ Cổ vật, cho biết.
Theo tuyên bố, người dẫn đầu đoàn khảo cổ Victor Ghica nói "19 cấu trúc và một nhà thờ được khắc vào nền đá" đã được phát hiện vào năm 2020.
Các bức tường của nhà thờ được trang trí bằng "những dòng chữ tôn giáo" và các đoạn kinh thánh bằng tiếng Hy Lạp, tiết lộ "bản chất của cuộc sống ở tu viện trong khu vực”, ông Ghica cho biết.
Những phát hiện này cho thấy rõ ràng rằng các tu sĩ đã có mặt trong khu vực từ thế kỷ V sau Công nguyên, nhà khảo cổ Na Uy này nói thêm.
Các tu sĩ đã ở sa mạc phía tây nam thủ đô Cairo của Ai Cập từ thế kỷ 4 đến thế kỷ 8. Theo Viện Khảo cổ học Phương Đông của Pháp, đơn vị phụ trách chuyến khảo cổ, giai đoạn cao điểm của các hoạt động tôn giáo ở khu vực là từ thế kỷ 5 đến thế kỷ 6.
Những tháng gần đây, Cairo đã công bố một số khám phá khảo cổ học mới với hy vọng thúc đẩy ngành du lịch. Ngành du lịch Ai Cập đã hứng chịu nhiều tác động từ cuộc nổi dậy mùa xuân năm 2011 và gần đây nhất là đại dịch Covid-19.