Phát hiện vỏ cây hấp thụ khí methane, có thể giúp chống biến đổi khí hậu

Lần đầu tiên một nghiên cứu chứng minh được vỏ cây trong các khu rừng trên thế giới đang hấp thụ khí methane, một khám phá có ý nghĩa to lớn trong việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.

Nghiên cứu do nhóm các nhà sinh thái học và khoa học khí hậu từ ĐH Birmingham (Anh) thực hiện. Họ đã tìm hiểu quá trình trao đổi khí methane ở cây phát triển trên vùng đất thoát nước tốt, bao gồm hầu hết các khu rừng trên thế giới.


Ước tính mỗi năm cây cối có thể hấp thụ khoảng 25 - 50 triệu tấn khí methane trong khí quyển - (Ảnh: Getty Images).

Nhóm đã đo quá trình trao đổi khí methane trên hàng trăm thân cây trong các khu rừng trải dài giữa Amazon và Panama, xuyên qua Thụy Điển và gần thành phố Oxford, Anh. Họ ngạc nhiên khi phát hiện cây hấp thụ khí methane từ khí quyển và quá trình loại bỏ khí methane này diễn ra càng mạnh hơn khi đi lên phần thân cây càng cao hơn, theo trang ScienceAlert ngày 25-7.

Sau đó, nhóm dùng công nghệ quét laser mặt đất để tính diện tích vỏ cây trên toàn cầu, tính đến từng cành nhánh nhỏ nhất. Nhóm phát hiện nếu trải phẳng, diện tích vỏ cây sẽ bao trùm toàn bộ bề mặt Trái đất, tức đây là một bề mặt cực lớn để hấp thụ khí nhà kính.

Nhóm ước tính mỗi năm cây cối có thể hấp thụ khoảng 25 - 50 triệu tấn khí methane trong khí quyển, hầu hết là nhờ vào các khu rừng nhiệt đới. Tuy nhiên diện tích rừng đang thu hẹp do nạn phá rừng - một thay đổi có thể làm ảnh hưởng đến lượng methane trong khí quyển.

Việc khử carbon trong hệ thống năng lượng và kinh tế toàn cầu là con đường trọng yếu để giải quyết biến đổi khí hậu, song việc hấp thụ methane của vỏ cây cũng mở ra một cách tiếp cận khác về giải pháp khí hậu dựa vào thiên nhiên.

Methane đóng góp khoảng 1/3 sự ấm lên toàn cầu quan sát được kể từ thời tiền công nghiệp. 20 năm qua, nồng độ khí methane trong khí quyển đã tăng lên nhanh chóng. Đây là vấn đề đối với khí hậu Trái đất vì khí methane giữ nhiệt nhiều hơn trong khí quyển so với lượng CO2 tương đương, song CO2 có thể tồn tại hàng trăm năm trong khí quyển, trong khi methane chỉ khoảng 10 năm.

Việc có "tuổi thọ" ngắn này có nghĩa là bất kỳ sự thay đổi nào đối với nguồn khí methane hay sự loại bỏ khí methane khỏi khí quyển đều có tác động nhanh chóng. Nếu quá trình loại bỏ được tăng cường, đây có thể là một chiến thắng về khí hậu giúp giảm thiểu quá trình biến đổi khí hậu đang ngày càng nghiêm trọng.

Cập nhật: 27/07/2024 Tuổi Trẻ
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video