Tại hang Mã Tuyển thuộc huyện Mường Khương (Lào Cai), nhóm các nhà khoa học Viện Khảo cổ học Việt Nam cùng Bảo tàng tỉnh Lào Cai vừa tìm thấy dấu tích các loại xương hóa thạch của nhiều loài động vật quý hiếm có niên đại từ 3 vạn đến 5 vạn năm.
Hoá thạch răng voi ma mút ở hang Mã Tuyển. (Ảnh bảo tàng tổng hợp Lào Cai) |
Như vậy, Lào Cai là tỉnh, thành phố thứ 10 của Việt Nam đã phát hiện các loại xương hóa thạch của quần thể động vật có niên đại tới hàng vạn năm.
Trước đó, tháng 6/2008, Ủy ban Nhân dân huyện Mường Khương (Lào Cai) đã quyết định cải tạo hang Mã Tuyển phục vụ du lịch. Trong quá trình thi công, cán bộ, công nhân xây dựng địa phương đã phát hiện nhiều di tích xương các loại xương động vật lớn đã hóa thạch.
Đến cuối tháng 4/2009, qua khai quật sơ bộ tại hang Mã Tuyển, các nhà khoa học Viện Khảo cổ học Việt Nam cùng Bảo tàng tỉnh Lào Cai đã tiến hành thám sát một hố rộng hơn 7m2 và đã phát hiện tại đây nhiều dấu tích xương hóa thạch các loài động vật quý hiếm nêu trên.
Phó Giáo sư Nguyễn Lân Cường, Hội Khảo cổ học Việt Nam, cho biết trong số những hoá thạch được phát hiện, có 2 loài đặc biệt có giá trị nhất là răng của loài gấu tre và loài voi răng kiếm còn khá nguyên vẹn. Hy vọng sắp tới khi khai quật tiếp tại hang Mã Tuyển, sẽ tìm được nhiều hóa thạch động vật có giá trị khác./.