Bằng việc phân tích các lọ nước thơm còn lại trong đền thờ Hatshepsut, các nhà khoa học đang cố gắng phục chế loại nước hoa mà nữ hoàng Ai Cập này đã sử dụng cách đây 35 thế kỷ.
Hatshepsut là nữ hoàng đầu tiên của Ai cập cổ. Bà lên nắm quyền sau khi người anh trai, Pharaoh Thutmose II qua đời mà không có người kế vị. Bà cai trị đất nước cho đến tận lúc mất vào năm 1457 trước công nguyên.
Trong thời gian trị vì, Hatshepsut đã cho mở lại con đường giao thương phía Nam, vốn bị gián đoạn bởi chiến tranh. Bà đã thành lập đội hải quân gồm toàn nữ thủy thủ có nhiệm vụ thám hiểm vùng đất Punt (ngày nay gọi là Mũi Hảo vọng của Châu Phi).
Tượng của Nữ hoàng Hatshepsut. |
Chính đội hải quân này đã mang về Ai Cập chất nhựa thơm, những loại hương trầm, mà sau đó được trồng và chế biến thành nước hoa. Thế nhưng đến nay, công thức pha chế loại nước hoa của thời kỳ đó đã bị thất truyền.
Tuy nhiên, các nhà khoa học thuộc ĐH Bonn, Đức cho rằng, họ có thể phục chế loại nước hoa trên sau khi phát hiện ra những chiếc bình thơm đặt trong ngôi đền của nữ hoàng Hatshepsut.
Các bình chất thơm tìm được trong đền thờ Hatshepsut. |
"Loại hương trầm ở Ai cập, thường chỉ được dùng vào việc thờ cúng các vị thần linh nhưng rất có thể nó từng được sử dụng để làm nước hoa cho nữ hoàng Hatshepsut", ông Höveler-Müller, quản lý của Thư viện thuộc ĐH Bonn cho biết
Các nhà khoa học sử dụng tia X để phân tích các mẫu hóa chất còn lại dưới đáy các bình chất thơm này. Họ hy vọng, kết quả nghiên cứu sẽ giúp phục chế loại nước hoa mà nữ hoàng Hatshepsut dùng cách đây 3.500 năm.