Tìm thấy chiếc quần 3.300 năm tuổi, cổ nhất thế giới

  •  
  • 3.355

Viện khảo cổ Đức tại Berlin vừa khai quật được một quần cổ, khá nguyên vẹn có niên đại 3.300 năm tuổi tại khu mộ Yanghai (Trung Quốc), được cho là chiếc quần cổ nhất hiện nay.

Những hạt mưa hiếm hoi rơi trên sa mạc khô cằn ở lòng chảo Tarim phía tây Trung Quốc bốc hơi ngay khi rơi xuống mặt đất nóng. Vùng đất hoang vu này lưu giữ nhiều hài cốt cổ đại. Những người chăn nuôi và cưỡi ngựa chôn cất người chết ở nghĩa trang Yanghai tại lòng chảo Tarim. Họ cũng là những người tiên phong may quần dài cách đây 3.000 - 3.300 năm. Sự kết hợp khéo léo các kỹ thuật dệt và họa tiết trang trí chịu ảnh hưởng từ nhiều xã hội trên lục địa Á - Âu của họ tạo ra một chiếc quần dài phong cách với độ bền cao. Đây là chiếc quần cổ nhất từng được biết đến trên thế giới.

Nhà ngôn ngữ học Victor Mair thuộc trường Đại học Pennsylvania, cho biết: “Cùng với dụng cụ cưỡi ngựa và vũ khí được tìm thấy trong ngôi mộ, chúng tôi giả định rằng việc phát minh ra quần có phần dưới xoè ra có thể liên quan đến kỷ nguyên mới trong việc cưỡi ngựa kết hợp với khả năng linh động trong các trận chiến. Vì vậy, những người sử dụng quần cổ có thể những người chăn nuôi hay những chiến binh”.

Quần cổ 3.300 năm tuổi tìm thấy ở khu vực lòng chảo Tarim Basin, Trung Quốc
Quần cổ 3.300 năm tuổi tìm thấy ở khu vực lòng chảo Tarim Basin, Trung Quốc - (Ảnh: Daily Mail)

Ngoài ra, tại khu vực lòng chảo Tarim Basin, các nhà khảo cổ còn tìm thấy những trang phục khác như áo dài, áo choàng, cây roi, rìu, một cây cung và một phần ngựa gỗ... Dựa vào kết quả khám nghiệm bởi phóng xạ carbon cùng với các yếu tố khác, các nhà khảo cổ cho rằng những vật cổ này có thể thuộc về hai người đàn ông khoảng chừng 40 tuổi.

Một nhóm nhà khảo cổ, thiết kế thời trang, nhà khoa học địa chất, nhà hóa học và chuyên gia bảo tồn quốc tế tìm hiểu cách sản xuất chiếc quần và tái tạo một bản sao hiện đại. Chiếc quần cổ đại không chỉ hé lộ sáng tạo ở chất liệu vải và cách các tập tục văn hóa lan truyền khắp châu Á, nhà khảo cổ Mayke Wagner ở Viện Khảo cổ Đức tại Berlin và cộng sự báo cáo trên tạp chí Archaeological Research in Asia số tháng 3.

Chiếc quần đến từ xác ướp tự nhiên của một người đàn ông có biệt danh Người Turfan cùng với 500 hài cốt khác trong đợt khai quật do các nhà khảo cổ Trung Quốc tiến hành từ đầu thập niên 1970 ở nghĩa trang Yanghai. Người đàn ông mặc trang phục bao gồm quần dài, áo choàng có thắt lưng, hai vòng dây bện dùng để buộc túm ống quần bên dưới đầu gối, hai vòng dây khác để xỏ đôi ủng da mềm cao tới mắt cá chân, một chiếc băng đô bằng len đính 4 miếng đồng và 2 vỏ sò. Dây cương bằng da và rìu chiến đặt trong mộ chứng tỏ xác ướp là một chiến binh cưỡi ngựa.

Nhóm nghiên cứu đặt tên cho xác ướp là Người Turfan do nghĩa trang Yanghai cách thành phố Turfan 43 km về phía đông nam. Trong tất cả trang phục của người Turfan, chiếc quần dài thực sự đặc biệt. Món đồ không chỉ có niên đại lâu đời hơn ít nhất vài thế kỷ so với các ví dụ khác mà còn có thiết kế hiện đại và tinh tế. Chiếc quần có hai ống may rộng dần lên trên, nối với đũng quần giúp vận động chân thoải mái hơn.

Trong vòng vài trăm năm, các nhóm dân du mục trên lục địa Á Âu bắt đầu mặc quần dài. Ống quần may bằng vải dệt khâu liền với phần đũng rộng rãi giúp giảm bớt ma sát khi cưỡi ngựa suốt chặng đường dài.

Dù thiết kế rất thời thượng, các nhà nghiên cứu vẫn băn khoăn chiếc quần ở Yanghai được làm bằng cách nào. Không có vết cắt trên mảnh vải, vì vậy nhóm nghiên cứu cho rằng chiếc quần được dệt để vừa với người mặc. Kết quả kiểm tra kỹ lưỡng chiếc quần của Người Turfan hé lộ đây là kết quả từ việc kết hợp 3 kỹ thuật dệt. Phiên bản tái tạo của một chuyên gia dệt từ lông cừu thô tương tự lông mà người Yanghai cổ đại sử dụng giúp xác nhận quan sát.

Phần lớn chiếc quần dùng kiểu dệt chéo, một thành tựu quan trọng trong lịch sử dệt may. Dệt chéo làm thay đổi đặc điểm của len dệt từ không co giãn thành co giãn, giúp người mặc cử động thoải mái với chiếc quần ôm sát. Kiểu dệt này sử dụng các cuộn sợi đặt trên khung cửi để dệt họa tiết gồm nhiều đường chéo song song. Điểm bắt đầu của họa tiết dệt chuyển dần sang phải hoặc sang trái để hình thành đường chéo ở mỗi hàng tiếp theo. Nhà khảo cổ dệt may Karina Grömer ở Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Vienna cho biết, bà nhận ra kiểu dệt chéo trên chiếc quần của Người Turfan khi kiểm tra mẫu vật cách đây khoảng 5 năm.

Người ở châu Âu và Trung Á có thể phát minh kiểu dệt chéo độc lập với nhau, theo Grömer. Nhưng ở Yanghai, thợ dệt kết hợp dệt chéo với những kỹ thuật và thiết kế tiên tiến khác để tạo ra chiếc quần cưỡi ngựa chất lượng cao. Phần đầu gối của chiếc quần cổ đại dùng kỹ thuật dệt thảm để tạo ra lớp vải dày hơn và có tác dụng bảo vệ cao hơn ở chỗ nối. Kỹ thuật thứ ba được họ ứng dụng ở phần trên của ống quần để có phần thắt lưng dày dặn hơn.

Những đặc điểm khác của chiếc quần bao gồm một phương pháp quấn khác thường, trong đó hai sợ vải dệt ngang được xoắn với nhau bằng tay và xỏ qua sợi dọc, tạo thành họa tiết hình học trang trí dọc đầu gối giống hình chữ T. Phương pháp quấn tương tự cũng giúp tạo ra các đường zigzag ở mắt cá chân và bắp chân.

Thợ dệt ở Yanghai cũng thể hiện sự khéo léo khi thiết kế phần đũng rộng. Những chiếc quần tìm thấy ở vài nơi khác tại châu Á, có niên đại nhỏ hơn vài trăm năm so với chiếc quần ở Yanghai, thường bao gồm ống quần dệt nối với phần đũng vuông, khiến thiết kế trở nên kém thoải mái và vừa vặn hơn.

Cập nhật: 28/02/2022 Theo Tuổi Trẻ/VNE
  • 3.355