Các nhà nghiên cứu có thể phác họa hình dáng của loài động vật ăn thịt tiền sử nhờ hóa thạch hộp sọ 248 triệu năm tuổi.
Erythrosuchid, có nghĩa "cá sấu đỏ" là loài săn mồi tồn tại sau cuộc đại tuyệt chủng giữa kỷ Permi và Tam Điệp cách đây 225 triệu năm. Chúng có thể dài tới gần 5 mét, được xếp vào nhóm động vật ăn thịt đầu bảng. Loài xuất hiện sớm nhất trong họ này là Garjainia, sống ở đầu kỷ Tam Điệp khoảng 251 - 247 triệu năm trước.
Phục dựng Garjainia săn mồi cách đây hàng trăm triệu năm. (Ảnh: Newsweek).
Garjainia phân bố ở Nam Phi và Nga, trong đó hai phân loài tìm thấy ở Nga ở Garjainia prima và Vjushkovia triplicostata. Trong khi G. prima được nghiên cứu tương đối kỹ, các nhà cổ sinh vật học biết rất ít về V. triplicostata với bộ xương không nguyên vẹn của 7 cá thể.
Trong nghiên cứu công bố trên tạp chí Royal Society Open Science, nhà khoa học Richard Butler ở Đại học Birmingham, Anh, và cộng sự phân tích hộp sọ của V. triplicostata. Kết quả cho thấy V. triplicostata và G. prima thực chất thuộc cùng loài. Các nhà nghiên cứu nhận thấy đây là một trong những động vật bò sát có chiếc đầu lớn nhất so với kích thước cơ thể, chiếm khoảng 1/4 chiều dài toàn thân. Chiếc đầu lớn và bộ hàm khỏe đóng vai trò hữu ích giúp chúng săn mồi.
"Động vật chuyên ăn thịt có chế độ ăn gần như hoàn toàn là thịt. Chúng tôi đặt giả thuyết các loài săn mồi lớn ở đầu chuỗi thức ăn có chiếc đầu lớn và khỏe khác thường để bắt mồi", Butler chia sẻ.
Garjainia dài 2 - 3 mét, tương tự rồng komodo. Nhóm nghiên cứu chưa rõ chiếc đầu khổng lồ tác động ra sao tới việc di chuyển của chúng. Họ cho rằng loài vật phải có cơ cổ rất khỏe để chống đỡ sức nặng từ phần đầu.