Quái vật biển cổ đại xé xác con mồi nhờ phần đầu sắc nhọn

  •  
  • 1.067

Cấu trúc ở phần đầu biến Habelia optata, sinh vật sống cách đây 508 triệu năm, thành kẻ săn mồi đặc biệt mạnh so với kích thước nhỏ bé.

Các nhà nghiên cứu xác định Habelia optata, một sinh vật biển cổ đại chỉ dài khoảng hai centimet nhưng có thể xé xác con mồi bằng phần đầu sắc nhọn và linh hoạt, có họ gần với phân ngành động vật chân kìm nhờ phân tích hóa thạch, Newsweek hôm 21/12 đưa tin.

Phân ngành động vật chân kìm gồm một số loài như sam, nhện và nhện biển. Những sinh vật trong phân ngành này đều có một bộ phận phụ trước miệng gọi là chân kìm. "Habelia cho thấy chi tiết cấu trúc cơ thể mà chân kìm mọc ra. Nhờ đó, chúng tôi có thể tìm được lời giải cho một số câu hỏi tồn tại từ lâu", Cédric Aria, tác giả cuộc nghiên cứu, cho biết.

Trước đó, các nhà khoa học biết rằng động vật chân kìm có 7 cặp chi, nhưng các loài hiện đại trong phân ngành này chỉ có 6 cặp. Cặp chi tiêu giảm là bằng chứng cho thấy bộ phận phụ từng tồn tại ở vị trí này.

Sau khi phân tích 41 mẫu vật chủ yếu từ British Columbia, Canada, các nhà cổ sinh vật nhận thấy, Habelia sở hữu những bộ phận phụ đặc trưng ở phần giữa cơ thể, hay phần ngực. Nó cũng có nhiều gai nhọn mọc khắp người, có thể dùng để tự vệ trước kẻ thù. Phần đầu cũng có những bộ phận phụ với răng dùng để nhai.

"Cấu trúc kết hợp giữa bộ phận phụ với hàm biến Habelia thành kẻ săn mồi đặc biệt mạnh so với kích thước nhỏ bé. Nó có thể xé xác con mồi vừa linh hoạt, vừa hiệu quả", Aria nhận xét.

Hóa thạch Habelia optata, kẻ săn mồi dưới biển sống cách đây 508 triệu năm.
Hóa thạch Habelia optata, kẻ săn mồi dưới biển sống cách đây 508 triệu năm. (Ảnh: Newsweek).

Habelia được nhà cổ sinh vật Charles Doolittle Walcott miêu tả lần đầu vào năm 1912, là sinh vật biển sống cách đây 508 triệu năm. Trước đó, các nhà khoa học xác định Habelia thuộc ngành chân khớp, nhưng chưa thể xác định chúng thuộc phân ngành nào.

"Từ quan điểm tiến hóa, Habelia rất gần với điểm phân tách giữa phân ngành động vật chân kìm và phân ngành mandibulates. Nhưng những điểm tương đồng với mandibulates là biến đổi thứ cấp của các đặc tính phần nào sẵn có trong ngành chân kìm. Điều này gợi ý động vật chân kìm bắt nguồn từ những sinh vật có tính biến đổi cấu trúc cao hơn", Aria nhận định.

Cập nhật: 22/12/2017 Theo VNE
  • 1.067