Rác sóng thần Nhật tới Hawaii

Những mảnh vụn bị sóng thần cuốn đi sau thảm họa kép ở vùng đông bắc Nhật Bản hồi năm ngoái đang ở rất gần quần đảo Hawaii, và sẽ tới bờ tây của nước Mỹ trong một năm nữa.

"Đảo di động" gồm rất nhiều mảnh gỗ, tàu thuyền và nhiều loại mảnh vụn khác đã trải qua hành trình gần 5.000km từ bờ biển đông bắc Nhật lên phía bắc của Thái Bình Dương, AP cho hay.


Mảnh vụn do sóng thần cuốn ra biển được quan
sát từ trên một máy bay. (Ảnh: Beachbelievers)

Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA) dự đoán những mảnh vụn đầu tiên sẽ sớm tới được những đảo san hô nhỏ ở phía tây bắc của quần đảo Hawaii. Vào khoảng giữa tháng 3/2013 và tháng 3/2014, "đảo di động" này sẽ tới được bờ biển của các bang Oregon, Washington, Alaska của Mỹ và cả một phần bờ biển phía tây của Canada.

Điều phối viên chuyên trách về vấn đề mảnh vụn sau sóng thần của NOAA, Ruth Yender phát biểu trong một cuộc họp trực tuyến hôm qua cho hay các nhân viên của NOAA đang có mặt trên những chuyến bay của lực lượng Tuần tra Bờ biển Mỹ. Nhiệm vụ của họ là giám sát khu vực quần đảo Hawaii, thuộc vùng trung tâm Thái Bình Dương. NOAA cũng yêu cầu các nhà khoa học đang ở Midway, một đảo san hô ở phía bắc của Thái Bình Dương và thuộc Mỹ, cũng như nhiều nơi khác chú ý theo dõi đường di chuyển của "đảo di động".

Ông Yender cũng cho rằng ít có khả năng những mảnh vụn còn trôi dạt trên biển bị nhiễm phóng xạ, do chúng có nguồn gốc từ nhiều khu vực khác nhau chứ không chỉ đến từ vùng gần nhà máy điện hạt nhân Fukushima I.


Hình vẽ mô tả đường đi của "đảo di động" từ bờ biển Nhật Bản
tới bờ tây nước Mỹ và Canada. (Đồ họa: Desdemonadespair)

Những mảnh vụn ban đầu tụ lại thành một khối dày trên đại dương sau khi bị sóng thần cuốn đi từ bờ biển đông bắc nước Nhật. Phần lớn trong số này sau đó bị chìm, nhưng vẫn còn rất nhiều mảnh vụn trôi nổi trên biển. Tháng 9/2011, một tàu huấn luyện của Nga đã phát hiện một tủ lạnh, một máy thu hình và nhiều đồ gia dụng khác ở phía tây của Hawaii. Nikolai Maximenko, một nhà nghiên cứu của đại học Hawaii và là chuyên gia về các dòng hải lưu, cho rằng các mảnh vụn hiện đã tách xa nhau rất nhiều nên chỉ có thể tìm được những vật dụng lẻ tẻ trôi nổi trên biển.

Khoảng một tới hai triệu tấn mảnh vụn vẫn còn trôi trên đại dương, nhưng chỉ một phần năm trong số này có thể tới các bờ biển của Mỹ và Canada, ông Maximenko cho biết. Cơn sóng thần cao tới 15m tràn vào bờ biển đông bắc Nhật hồi tháng 3/2011 đã tạo ra từ 20 tới 25 triệu tấn mảnh vụn, bao gồm cả những mảnh vụn còn lại trên đất liền.

Ông Maximenko còn cho biết các mảnh vụn do sóng thần Nhật Bản đưa ra đại dương sẽ nhập vào một khối rác nổi trên biển giữa Hawaii và bang California, vốn được tạo ra bởi những dòng chảy xoáy ở Thái Bình Dương. Phần lớn của khối rác khổng lồ này là những mảnh nhựa, loại vật liệu sẽ từ từ vỡ thành các mảnh nhỏ hơn nhưng sẽ không biến mất hoàn toàn.

Ngày 11/3/2011, trận động đất mạnh 9 độ Richter kéo theo sóng thần cao 15m đã tàn phá bờ biển đông bắc Nhật Bản, khiến hơn 19.000 người thiệt mạng và nhiều người còn mất tích. Động đất, sóng thần còn dẫn tới cuộc khủng hoảng ở nhà máy điện hạt nhân Fukushima I, thảm họa hạt nhân tồi tệ nhất thế giới kể từ sau thảm họa Chernobyl năm 1986.

Theo Vnexpress
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video