Tiếp theo thành công của Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương trong việc nghiên cứu sản xuất văcxin cúm H5N1 bằng công nghệ nuôi cấy trên tế bào thận khỉ, các nhà khoa học tại ba cơ quan nghiên cứu và sản xuất của VN đã đồng loạt công bố về việc ra đời của những lô văcxin phòng dịch cúm H5N1 đầu tiên cho cả người và gia cầm bằng công nghệ nuôi cấy trên trứng gà có phôi.
Tiêm chủng sản xuất văcxin vào phôi trứng gà tại Viện Công nghệ sinh học (Ảnh: TTO) |
Thành công này cùng với thành công của Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương đã củng cố thêm niềm tin là VN hoàn toàn có thể tự túc được văcxin trong trường hợp xuất hiện đại dịch cúm H5N1.
PGS. TS Đinh Duy Kháng - trưởng phòng vi sinh vật học phân tử, Viện công nghệ sinh học (CNSH) - cho biết từ năm 2005, sau khi tìm hiểu và được biết Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo các quốc gia nghiên cứu để có thể tự sản xuất văcxin phòng cúm H5N1, PGS. TS Lê Trần Bình - viện trưởng Viện CNSH - đã chủ động liên hệ với WHO đề nghị chuyển giao chủng giống cho việc nghiên cứu sản xuất văcxin.
Sau khi ký biên bản thỏa thuận, Viện CNSH đã được WHO chuyển giao chủng giống cho nghiên cứu sản xuất văcxin (chủng NIBRG-14) thông qua Viện Quốc gia về tiêu chuẩn và kiểm định sinh học vương quốc Anh (NIBSC).
Ông Kháng cho biết sau khi nhận được chủng giống, Viện CNSH đã nghiên cứu nhân giống, tạo ra các lô chủng sản xuất để cung cấp cho các cơ sở sản xuất văcxin.
Giá ước tính của các loại văcxin H5N1 sản xuất trong nước thấp hơn giá nhập ngoại. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là VN có thể chủ động được nguồn văcxin khi có dịch xảy ra, tránh được tình trạng thiếu văcxin hoặc phải nhập ồ ạt văcxin với khối lượng lớn trong một thời gian ngắn vượt quá khả năng kiểm tra đánh giá chất lượng của các cơ sở kiểm định văcxin trong nước.
KHIẾT HƯNG