Nhóm nghiên cứu, gồm các nhà khoa học của Đại học Emory (Mỹ) và Đại học Regensburg (Đức), chọn chuột đồng làm đối tượng để tìm hiểu cơ chế sinh học gây ra hội chứng trầm cảm. Không giống như 95% động vật có vú, chuột đồng có tình cảm rất sâu đậm với đồng loại, đặc biệt giữa những con có quan hệ huyết thống.
Các nhà khoa học chọn nhiều gia đình chuột. Ở mỗi gia đình họ tách một con ra rồi đưa chúng tới nơi khác. Những thành viên còn lại trong gia đình vẫn được ở cùng nhau.
Kết quả quan sát cho thấy mức độ lo lắng ở tất cả chuột đều tăng, nhưng chỉ có con chuột bị tách khỏi đàn có dấu hiệu trầm uất. Nhiều con nằm lì một chỗ và không chịu ăn uống.
Các phân tích sau đó cho thấy nồng độ của một hóa chất trong não có tên "nhân tố giải phóng corticotropin" đã tăng lên ở tất cả các con chuột, đặc biệt là những con bị tách khỏi đàn. Đây là một chất trung chuyển thần kinh có vai trò điều khiển phản ứng của não đối với tình trạng căng thẳng.
Nhóm nghiên cứu tiêm một hợp chất vào cơ thể chuột để ngăn chặn tác dụng của hóa chất này. Họ nhận thấy những biểu hiện buồn bã, bồn chồn, trầm uất ở lũ chuột biến mất. Nếu chứng minh được rằng "nhân tố giải phóng corticotropin" cũng gây nên hội chứng trầm cảm ở người, các nhà khoa học có thể chế ra những dược phẩm phù hợp để điều trị.
"Việc xoa dịu nỗi đau tinh thần ở những người mất thân nhân có thể trở thành hiện thực trong tương lai", Oliver Bosch, một thành viên trong nhóm nghiên cứu, phát biểu.