Một nghiên cứu mới cho biết sản lượng ca cao sẽ giảm mạnh trong tương lai do hiện tượng ấm lên toàn cầu.
Cây ca cao được trồng nhiều ở khu vực Tây Phi do điều kiện phù hợp về khí hậu và thổ nhưỡng. Bờ Biển Ngà và Ghana, 2 quốc gia cung cấp khoảng một nửa sản lượng ca cao của thế giới. Tuy nhiên, sản lượng ca cao bình quân của 2 nước này sẽ giảm 50% nếu nhiệt độ toàn cầu tăng 2,3 độ C từ nay đến năm 2050.
Sản lượng ca cao giảm mạnh do hiện tượng ấm lên toàn cầu
Ông Peter Laderach, thành viên của Trung tâm Nông nghiệp - Nhiệt đới quốc tế cho biết, "Sô-cô-la chắc chắn sẽ đắt hơn nhiều nếu nhu cầu tiêu thụ tăng cao trong khi sản lượng ca cao ngày càng thiếu hụt do biến đổi khí hậu. Thực trạng đó có thể khiến chocolate dần trở thành món hàng xa xỉ".
Một nghiên cứu do quỹ Bill & Melinda Gates cho biết, bất ổn chính trị ở khu vực Tây Phi gần đây đẩy giá sô-cô-la lên 10% trên sàn giao dịch. Đồng thời nhu cầu tiêu thụ tăng trong khi sản lượng ca cao sụt giảm buộc các nhà bán lẻ tiếp tục tăng giá bán sô-cô-la trên thị trường.
Cadbury và Nestle, 2 hãng bánh kẹo hàng đầu tại Anh đã tăng 7% giá bán lẻ một số sản phẩm như Dairy Milk, Kit Kat và Yorkie - tăng gấp đôi tỷ lệ lạm phát.
Khí hậu mát mẻ là điều kiện lý tưởng để ca cao phát triển mạnh. Tuy nhiên việc di cư cây ca cao lên vùng đất cao để có thời tiết thuận lợi hơn là điều khó khăn vì địa hình Tây Phi khá bằng phẳng.
Ngoài sô-cô-la, một số sản phẩm khác cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng do sự thay đổi bất thường và khắc nghiệt của khí hậu là rượu vang Pháp và mì ống Ý.