Các nhà khoa học thuộc Trường Y, Đại học Harvard (Mỹ) đã phát hiện, giả dược có thể giúp bệnh nhân cảm thấy khỏe hơn ngay cả khi họ biết rõ rằng chúng là chỉ là những viên đường.
(Ảnh minh họa)
Theo hãng thông tấn Reuters, các nhà khoa học đã tiến hành nghiên cứu 80 bệnh nhân bị hội chứng ruột kích thích (IBS) với triệu chứng đặc trưng là đau bụng. Những tình nguyên viên này được chia thành hai nhóm.
Nhóm thứ nhất không được điều trị bằng bất cứ loại thuốc gì, nhóm thứ 2 được điều trị bằng viên giả dược với liều lượng 2 lần/ngày và kéo dài trong 3 tuần. Các bệnh nhân đều được thông báo đây chỉ là những viên giả dược.
Kết quả sau 3 tuần thử nghiệm cho thấy, gần 60% bệnh nhân bị hội chứng ruột kích thích tham gia cuộc nghiên cứu thông báo, họ cảm thấy khỏe hơn sau khi dùng giả dược mỗi ngày 2 lần, so với 35% bệnh nhân ở nhóm bệnh nhân không được điều trị bằng bất cứ loại thuốc nào.
"Chúng tôi không chỉ in những thông báo trên vỏ thuốc mà còn trực tiếp nói với bệnh nhân, đây chỉ là những viên giả dược. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu cho thấy thuốc giả dược có tác dụng ngay cả khi bệnh nhân biết về công dụng thực của chúng”, tiến sĩ Ted Kaptchuk - người đứng đầu cuộc nghiên cứu cho biết.
Hiệu ứng giả dược đã được áp dụng ngay từ khi y học bắt đầu. Giả dược có vai trò quan trọng đối với việc nghiên cứu về những loại thuốc hoặc phương pháp điều trị mới. Nhưng trước đây, hầu hết mọi người cho rằng một viên giả dược không có tác dụng nếu bệnh nhân biết đó là giả dược.
Giáo sư Ted Kaptchuk phát biểu: “Kết quả nghiên cứu cũng khẳng định, thuốc giả dược có tác dụng hơn so với chúng ta nghĩ trước đây”.