Tác hại của chế độ ăn kiêng toàn thịt gà để giảm cân

Thịt gà mang lại nguồn protein và vitamin dồi dào nhưng chỉ ăn toàn thịt gà trong mọi bữa ăn gây ra nhiều tác hại cho cơ thể.

Chế độ ăn toàn thịt gà là chế độ chỉ ăn thịt gà cho toàn bộ bữa ăn. Đây là một chế độ ăn hạn chế hơn chế độ ăn thịt. Bạn chỉ ăn các sản phẩm động vật như thịt, trứng và một số sản phẩm từ sữa nhất định.

Nhiều nguồn tin cho rằng tài tử điện ảnh Matt Damon chỉ ăn ức gà để giảm 60 pound (khoảng 27,2 kg) cho vai diễn trong bộ phim Courage Under Fire (1996). Vì vậy, có thể chế độ ăn này bắt nguồn phần nào từ đây.

Ngoài ra, video có tựa đề We Ate nothing but CHICKEN and BROCCOLI for a week, Here's What Happened trên kênh BUFF Dudes (kênh về ẩm thực và thể dục) cũng đề cập đến chế độ ăn toàn thịt gà.


Thông thường chế độ ăn toàn thịt gà chỉ bao gồm thịt gà. (Ảnh: Thelist).

Hiệu quả giảm cân bằng chế độ ăn toàn thịt gà

Chế độ ăn toàn thịt gà có thể giúp giảm cân. Thực tế, theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), một phần ức gà nặng khoảng 100 g có 160 calo (cộng với 32 g protein và chỉ 3 g chất béo).

Nếu giảm cân bằng cách thâm hụt calo, bạn dễ dàng tiêu thụ ít calo hơn khi chỉ ăn thịt gà. Khoảng 100 g ức gà chứa 32 g protein sẽ khiến bạn no. Hơn nữa, khi chỉ ăn một loại thực phẩm, thông thường, bạn khó ăn số lượng lớn. Việc cắt giảm số lượng thức ăn trong ngày cũng dẫn đến giảm lượng calo dung nạp vào cơ thể.

Tuy nhiên, chế độ ăn giúp giảm cân không có nghĩa nó lành mạnh.

“Tôi nghĩ việc áp dụng chế độ ăn kiêng toàn thịt gà tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với sức khỏe cả ngắn hạn lẫn lâu dài. Chế độ đó khiến cơ thể thiếu hụt dinh dưỡng”, TS Y khoa Melina Jampolis, chuyên gia dinh dưỡng tại California, Mỹ, nhận định.

TS Jampolis nói thêm ưu điểm lớn nhất của chế độ ăn kiêng chỉ thu nạp một loại thực phẩm là đơn giản, dễ thực hiện. Tuy nhiên, đây không phải lý do để mọi người chọn chế độ chỉ ăn thịt gà để giảm cân.


Chế độ ăn kiêng toàn thịt gà có cả mặt lợi và hại. (Ảnh: Rgv).

Mặt lợi của chế độ ăn kiêng toàn thịt gà

Livestrong đưa ra 3 lợi ích của chế độ ăn kiêng này. Đầu tiên, thịt gà là nguồn cung cấp protein dồi dào.

Bản thân thịt gà có thể là một phần của chế độ ăn uống lành mạnh vì nó là nguồn cung cấp protein nạc. Theo Hiệp hội Tim mạch Mỹ (AHA), thịt gà tốt cho sức khỏe hơn thịt đỏ vì nó chứa ít chất béo bão hòa hơn. Chế độ ăn nhiều chất này tăng nguy cơ suy tim, bệnh tim mạch, đột quỵ.

AHA cũng nói rằng ăn nhiều thịt không phải là cách tốt để giảm cân, đặc biệt khi bạn bị bệnh tim.

Ngoài ra, thịt gà góp phần kiểm soát cân nặng lành mạnh. Một nghiên cứu đăng trên tạp chí Food and Nutrition Research hồi tháng 6/2015 cho thấy tiêu thụ gia cầm như một phần trong chế độ ăn nhiều rau giúp giảm nguy cơ thừa cân hoặc béo phì. Chế độ ăn này cũng hỗ trợ ngăn ngừa các bệnh tim mạch hoặc bệnh tiểu đường loại 2.

Bên cạnh đó, nghiên cứu đánh giá thịt trắng có tác dụng vừa phải trong việc phòng tránh ung thư.

Nghiên cứu tương tự cũng chỉ ra thịt, không chỉ thịt gà, là nguồn cung cấp vitamin B12 lý tưởng. Vitamin trong thịt gà không bị thâm hụt trong quá trình nấu nướng.

Thịt gà còn cung cấp lượng niacin (vitamin B3) tốt và là nguồn cung cấp selen dồi dào. Thịt nạc cũng chứa các chất hỗ trợ hấp thụ dinh dưỡng.


Thông thường chế độ ăn toàn thịt gà chỉ bao gồm thịt gà nhưng đôi khi cũng có thể kết hợp các loại rau không chứa tinh bột như bông cải xanh. (Ảnh: Thelist).

Nhược điểm của chế độ ăn toàn thịt gà

Bên cạnh ưu điểm, chế độ ăn kiêng toàn thịt gà cũng có nhược điểm. Nhìn chung, bạn khó duy trì chế độ ăn này trong thời gian dài. Do đó, đây không phải là phương pháp giảm cân lâu dài. Một khi bạn bắt đầu ăn uống bình thường trở lại, bạn có thể trở về số cân ban đầu trước khi thực hiện ăn kiêng.

"Chỉ ăn thịt gà có thể dẫn đến thiếu hụt một số chất dinh dưỡng, bao gồm vitamin B (rất quan trọng để sản xuất năng lượng), vitamin C cho chức năng miễn dịch khỏe mạnh cũng như cho da và nướu răng, magie và chất xơ”, TS Jampolis nói thêm về hạn chế của chế độ ăn kiêng này.

Ngoài ra, chế độ ăn kiêng toàn thịt gà có thể dẫn đến tình trạng cơ thể thiếu năng lượng. Vị chuyên gia nhận định việc không ăn gì ngoài thịt gà khác với chế độ ăn keto (nhiều chất béo và protein vừa phải).

TS Jampolis giải thích trong chế độ ăn keto, cơ thể thích nghi để não có thể hoạt động bằng ketone - lớp hợp chất hữu cơ được tạo ra khi cơ thể đốt cháy chất béo để lấy năng lượng - sau khoảng 5-7 ngày.

Chế độ ăn kiêng chỉ có protein sẽ không tạo ra sự thích ứng keto đó dẫn đến cơ thể thiếu năng lượng để hoạt động bình thường.

Việc ăn kiêng toàn thịt gà còn có thể gây hại cho sức khỏe đường ruột. Tác dụng phụ khác bao gồm táo bón nghiêm trọng do thiếu chất xơ.

Hệ vi sinh vật đường ruột cũng mất cân bằng. TS Jampolis cho biết tình trạng này xảy ra chỉ trong vài ngày. Vì vậy, bạn nhanh chóng cảm thấy kinh khủng, khó tiếp tục ăn kiêng.

Ngoài ra, chế độ ăn kiêng toàn thịt gà gây ra một loạt vấn đề sức khỏe khác.

Cụ thể, chế độ ăn thiếu canxi, vitamin K, về lâu dài, ảnh hưởng xấu đến xương. TS Jampolis cho biết thêm nếu không có vitamin C, bạn có nguy cơ mắc bệnh Scorbut - bệnh do thiếu hụt vitamin C.

Ngoài ra, chế độ ăn uống không có chất chống oxy hóa chống lại các gốc tự do gây bệnh có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư, bệnh tim và bệnh tiểu đường loại 2.

Vì vậy, bạn không nên thử chế độ ăn toàn thịt gà, dù chỉ trong thời gian ngắn. Thay vào đó, bạn có thể đưa loại thịt này với chế độ ăn kiêng lành mạnh, đầy đủ, bao gồm nhiều loại thực phẩm khác như rau, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu, quả hạch và hạt.

Chọn thịt gà thay vì các loại protein khác, như thịt đỏ, cũng là lựa chọn thông minh vì nó có hàm lượng calo và chất béo thấp hơn.

Cập nhật: 25/08/2022 Zing
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video