Ám ảnh sở hữu động vật có thể được định nghĩa là việc giữ một số lượng lớn động vật nhiều hơn bình thường mà không có khả năng chăm sóc, cung cấp tiêu chuẩn tối thiểu về dinh dưỡng và vệ sinh cho chúng.
Hội chứng ám ảnh tích trữ động vật
Theo các chuyên gia, hội chứng này có tên là hội chứng Noah, hay còn gọi là "tích trữ động vật". Hội chứng này được đặt tên dựa theo nhân vật trong Kinh thánh - Noah - người đã chế tạo con tàu khổng lồ và đưa số lượng lớn động vật lên tàu.
Trên thực tế, rất ít người biết về hội chứng ám ảnh sở hữu động vật nhưng đây là vấn đề sức khỏe có thể ảnh hưởng đến cả cộng đồng.
Những người có nỗi ám ảnh sở hữu động vật thường sống trong cảnh khốn cùng: Nước tiểu và phân có thể làm ố tường, sàn nhà, trong khi ngôi nhà xuống cấp do điều kiện vệ sinh không đảm bảo.
Có khoảng 2.000 trường hợp mới mắc chứng ám ảnh sở hữu động vật được xác định ở Mỹ mỗi năm. Và con số sau những cánh cửa đóng kín có thể còn cao hơn.
Hiệp hội Tâm thần Hoa Kỳ chỉ ra rằng, việc tích trữ có thể ảnh hưởng đến 2-5% dân số trưởng thành ở Hoa Kỳ. Các loài động vật được tích trữ phổ biến nhất là mèo và chó, mặc dù có thể tích trữ bất kỳ loại động vật nào, kể cả động vật trang trại lớn. Trong một nghiên cứu trên 71 người tích trữ động vật, khoảng 82% trường hợp liên quan đến mèo, 55% chó, 17% chim, 6% bò sát, 11% động vật có vú nhỏ, 6% ngựa và 6% gia súc, cừu hoặc dê.
Nỗi ám ảnh sở hữu động vật phức tạp hơn nhiều so với ám ảnh tích trữ đồ vật, bởi nó xuất phát từ nhiều động cơ khác nhau.
Hành vi tích trữ có thể là triệu chứng của rối loạn ám ảnh cưỡng chế và các rối loạn liên quan. (Ảnh minh họa).
Cẩm nang Chẩn đoán và Thống kê Rối loạn Tâm thần (DSM) chỉ ra rằng, khoảng 75% người mắc chứng rối loạn tích trữ có rối loạn tâm trạng hoặc lo âu đi kèm. Hành vi tích trữ có thể là triệu chứng của rối loạn ám ảnh cưỡng chế và các rối loạn liên quan, chẳng hạn như rối loạn ảo tưởng, rối loạn trầm cảm nặng, rối loạn lo âu xã hội và rối loạn lo âu tổng quát.
Những người khác tin rằng việc tích trữ có thể là một phản ứng không thích hợp để đối phó với một sự kiện đau thương như cái chết đột ngột của người thân. Hồ sơ điển hình (không độc quyền) của một người tích trữ động vật là một phụ nữ trên 60 tuổi, chăm sóc hơn 40 con vật và đã sưu tầm động vật trong hơn 20 năm.
3 kiểu người cơ bản mắc hội chứng Noah gồm: Người chăm sóc quá tải (Overwhelmed Caregiver - OC), Người tích trữ giải cứu (Rescue Hoarder - RH) và Người tích trữ lợi dụng (Exploiter Hoarder).
Hai kiểu người đầu tiên có thể mắc chứng rối loạn ảo tưởng như "phức cảm cứu rỗi". Họ tin rằng họ đang giúp đỡ động vật, bất chấp bệnh tật và tình trạng của chúng ngày càng xấu đi.
"Người chăm sóc quá tải" thường là người cảm thấy có trách nhiệm chăm sóc động vật nhưng bị áp đặt hoặc áp lực quá mức bởi số lượng động vật cần chăm sóc. Điều này thường xảy ra sau biến động cuộc sống, bao gồm sức khỏe, tình trạng kinh tế, xã hội hoặc nghề nghiệp.
Người OC thường có mối liên kết mạnh mẽ với động vật của mình và cố gắng để chăm sóc chúng. Tuy nhiên, họ thường không thể đáp ứng đủ nhu cầu chăm sóc của tất cả động vật, dẫn đến vấn đề kéo theo.
"Người tích trữ giải cứu" là dạng phổ biến nhất trong số những người mắc chứng ám ảnh sở hữu quá nhiều động vật.
Họ cảm thấy bị thúc đẩy về mặt cảm xúc để "giải cứu" tất cả loài động vật và có thể từ chối mọi khả năng an tử, ngay cả khi một con vật bị bệnh nan y hay đang phải chịu cơn đau.
Họ thường bất hợp tác khi chính quyền cố gắng can thiệp vì không nhận ra tác hại mà họ đang gây ra. Ngoài ra, họ có thể coi cơ quan kiểm soát động vật là kẻ thù vì cố gắng loại bỏ những con vật khỏi sự chăm sóc của họ.
Trong số 3 loại người trên, "người tích trữ lợi dụng" khó quản lý nhất vì họ có khả năng mắc cả chứng rối loạn nhân cách chống đối xã hội. Họ có thể nhận thức được về tình trạng của mình, nhưng thiếu lòng cảm thông với con người hoặc động vật và có động lực tích trữ động vật bởi lợi ích tài chính.
Làm gì để giúp đỡ người mắc hội chứng tích trữ động vật
Cách đối phó tốt nhất để xử lý vấn đề này cho đến nay là phát hiện sớm các trường hợp mắc ám ảnh sở hữu động vật và phối hợp với cơ quan chức năng để giải quyết.
Hiệp hội Phòng chống Hành vi tàn ác đối với Động vật Mỹ (ASPCA) đã triển khai chương trình kết hợp các chuyên gia như nhân viên xã hội, bác sĩ thú y, nhà nghiên cứu hành vi động vật, cơ quan thực thi pháp luật nhân đạo và một loạt cơ quan dịch vụ con người cùng động vật khác.
Song nhìn chung, xã hội có xu hướng coi thường người mắc hội chứng Noah, đặc biệt là khi nhìn thấy hình ảnh ngôi nhà bẩn thỉu với những con vật ốm yếu. Nhưng chúng ta phải thừa nhận đây là hội chứng tâm thần nghiêm trọng cần được trị liệu, chứ không chỉ đơn thuần là do ý muốn hay lựa chọn cá nhân.
Nếu muốn giảm số ca "tích trữ động vật" một cách hiệu quả, chúng ta phải nâng cao nhận thức về hội chứng này và tích cực theo đuổi nhiều nghiên cứu trị liệu hơn.