Dấu hiệu nhận biết người sẽ trở thành thiên tài

  •   3,735
  • 73.713

Thiên tài vốn là những người có khả năng ghi nhớ siêu phàm, có óc sáng tạo và trí thông minh ở mức xuất sắc. Tuy nhiên, không phải ai trong số họ cũng là tài năng bẩm sinh, nhiều người có khi đến tận lúc “gần đất xa trời” mới bất ngờ phát hiện ra năng lực đặc biệt của mình. Các chuyên gia cho rằng những chấn thương nghiêm trọng ở vùng đầu là cách giải thích duy nhất trong trường hợp này.

Vào những ngày cuối hè vừa qua, một cuộc triển lãm nghệ thuật tại khu vực bờ biển Southport (Anh) đã thu hút số lượng lớn khách thăm quan. Trong số tất cả tác phẩm trưng bày, nổi bật lên là những bức tranh của Tommy McHugh, một “cựu” thợ xây đến từ Liverpool.

Lúc đó, Tommy đang phải nằm trong khu chăm sóc đặc biệt tại một bệnh viện ở Wirral do mắc viêm phổi cấp. Vài tuần sau, ông ra đi ở tuổi 62. Người ta nhắc nhiều đến Tommy không chỉ vì ông là tác giả của những tác phẩm đắt giá mà còn bởi câu chuyện tưởng chừng hoang đường về khả năng đặc biệt của ông. Gần 11 năm trước, sau một cơn đột quỵ suýt dẫn đến tử vong, ông bất ngờ phát hiện thấy mình có khả năng không thua kém gì các họa sĩ vĩ đại trên thế giới.

Các nhà tâm lý học coi trường hợp Tommy McHugh là ví dụ điển hình của “hội chứng bác học đột ngột”, một hiện tượng khá hiếm xảy ra khi não bị tổn hại, bằng cách nào đó đã làm xuất hiện tài năng tiềm ẩn. Chỉ có khoảng 30 trường hợp như vậy được xác nhận trên toàn thế giới.

Khi còn là cậu bé, Orlando Serrell, 44 tuổi đến từ Virginia đã bị một quả bóng chày văng mạnh vào đầu trong khi chơi, và sau đó người ta thấy anh có thể làm những phép tính vô cùng phức tạp và nhớ chính xác các thông tin thời tiết vào bất kỳ ngày nào trong năm. Hay như trường hợp của Tiến sĩ Tony Cicoria, một bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình tại bang New York, bị sét đánh vào năm 1994 khi đang trò chuyện với mẹ mình từ bốt điện thoại công cộng ngoài trời. Trong nhiều tuần, ông luôn bị ám ảnh với nhạc piano cổ điển và vài năm sau, mặc dù trước đó không biết chút gì về âm nhạc, khán giả vẫn nhắc đến ông với tư cách là một nghệ sĩ dương cầm và nhà soạn nhạc tài ba.

Sau một chấn thương vùng đầu, khả năng ghi nhớ của Orlando Serrell đã vượt quá giới hạn của bộ nhớ người bình thường.
Sau một chấn thương vùng đầu, khả năng ghi nhớ của Orlando
Serrell đã vượt quá giới hạn của bộ nhớ người bình thường.

Nhiều năm qua, giới khoa học vẫn luôn cố gắng đi tìm lời giải thích cho tất cả những điều kỳ lạ này.

Darold Treffert, bác sĩ tâm thần tại Wisconsin, người đã nghiên cứu nó suốt 40 năm, cho biết: “Khi xảy ra chấn thương nghiêm trọng trong một phần não bộ, các phần khác sẽ xen vào để bù đắp, làm cân bằng não và giải phóng khả năng tiềm tàng mà trước đó không hề được biết đến”.

Trở lại ví dụ của Tommy McHugh, ông lớn lên ở môi trường giáo dục không có chỗ cho nghệ thuật và văn hóa. Là 1 trong 12 đứa trẻ sinh ra trong gia đình thuộc tầng lớp lao động, không được dạy dỗ đầy đủ, ông sớm sử dụng ma túy rồi bị đi tù và cuối cùng trở thành một thợ xây. Không ai nghĩ rằng con người này về sau có thể vẽ, điêu khắc và làm thơ, mặc dù trước đó, điều “dính líu” tới nghệ thuật duy nhất mà McHugh làm là xăm hình.

Tất cả thay đổi vào năm 2001, Tommy bị một cơn đột quỵ nghiêm trọng dẫn tới xuất huyết não. Trở về nhà, ông không biết mình là ai, thậm chí cũng chẳng nhận ra khuôn mặt mình trong gương, xem vợ như người lạ nhưng điều hết sức đặc biệt là Tommy có thể nói những dạng câu có vần rất phức tạp.

Những ngày tiếp theo, Tommy phải mò mẫm trong một thế giới hoàn toàn xa lạ với ông, sự trống rỗng đã được thay thế bởi sự sáng tạo. Ông bắt đầu vẽ không ngừng. Trên các bức tường, cửa ra vào và trần nhà đầy những bức hình sống động, khó hiểu. “Tôi có thể nhìn thấy vẻ đẹp của thế giới. Người đàn ông từng ngự trị trong tôi trước kia, người mà tôi không biết là ai, đã ra đi mãi mãi”, Tommy chia sẻ.

Tiến sĩ Mark Lythgoe, một nhà thần kinh học tại Đại học College London, người đã nghiên cứu trường hợp McHugh, nói: “Tổn thương não mà Tommy gặp phải có thể là nguyên nhân giúp giải tỏa ức chế của các chuỗi phản ứng trong não, phá vỡ những bộ phận kìm hãm năng lực nghệ thuật và giải phóng óc sáng tạo”.

Cho đến năm 2003, Giáo sư thần kinh học Bruce Miller (Đại học California, San Francisco) phát hiện ra rằng nhiều bệnh nhân mắc chứng rối loạn não bộ, một dạng mất trí nhớ được gọi là sa sút trí tuệ trán - thái dương (FTD), đã bất ngờ phát triển tài năng nghệ thuật khi gặp điều kiện thuận lợi. Anne Adams, nhà sinh vật học nổi tiếng người Canada là một trường hợp ông từng quan tâm. FTD tuy làm Anne Adams mất khả năng nói nhưng lại giúp cô đạt được các kỹ năng đặc biệt trong lĩnh vực tạo hình nghệ thuật như điêu khắc. “Mạch ngôn ngữ bị mất đi sẽ làm gia tăng hoạt động ở các khu vực khác trong não”, Miller phát biểu trên tạp chí Brain cách đây bốn năm.

Ngoài ra, nhiều nhà khoa học cũng nhận thấy “hội chứng bác học đột ngột” chủ yếu xuất hiện ở nam giới. Theo họ, lý do có thể là vì lượng testosterone ở mức cao trong bào thai mang giới tính nam dễ gây tổn hại cho bán cầu não trái.

Nếu thực sự có một Leonardo hay Mozart ẩn náu trong tất cả chúng ta, nó đặt ra câu hỏi lớn: tài năng đó đến từ đâu? Làm thế nào mà một người hoàn toàn “mù tịt” về âm nhạc như Cicoria đột nhiên lại sáng tác được những bản sonata và concerto hoàn mỹ?

Cách giải thích duy nhất có thể dựa trên vấn đề di truyền học. Ví dụ trường hợp McHugh Tommy, chắc chắn ai đó trong gia đình cũng có khả năng như ông. Lý thuyết này mở rộng những giả định hiện tại về chuỗi ADN. Nhưng ngay cả khi điều đó được chứng minh thì vẫn rất khó để áp dụng với câu chuyện đáng kinh ngạc của Orlando Serrell.

“Một số người rơi vào tình trạng mất ý thức, hôn mê và khi thức dậy, họ thấy mình như biến thành người khác”, ông nói. “Tôi thì lại không như vậy. Tôi đang chơi trong công viên và bị ai đó ném mạnh quả bóng chày vào phần đầu phía trước nhưng không hề ngất đi. Tôi chỉ ngã xuống và cảm thấy đau đầu, ngay lập tức vẫn đứng dậy tiếp tục cuộc chơi, những thay đổi chỉ xuất hiện khoảng một tháng sau đó”.

Serrell có thể nhớ chính xác điều kiện thời tiết cũng như việc ông đã ở đâu và làm gì vào bất kỳ ngày nào kể từ khi xảy ra tai nạn. Các chuyên gia khẳng định điều này vượt quá khả năng của bộ nhớ con người. Như vậy, tuy chưa tìm ra câu trả lời nhưng đó chắc chắn không thể là do di truyền. Và cho đến khi có được đáp án chính xác, đây vẫn sẽ là đề tài làm nóng các cuộc tranh luận trong giới khoa học.

Theo Báo Đất Việt
  • 3,735
  • 73.713