Tàu Orion hôm 5/12 đã bay gần Mặt trăng và sử dụng lực hấp dẫn để chuyển hướng, đánh dấu hành trình trở về của sứ mệnh Artemis 1.
Tàu Orion ghi hình Mặt trăng và Trái đất (hình lưỡi liềm) hôm 5/12.
Tại điểm tiếp cận gần nhất, tàu vũ trụ không người lái của NASA bay cách bề mặt Mặt trăng chưa đầy 130km. Liên lạc bị gián đoạn trong 30 phút khi con tàu ở phía mặt tối của thiên thể. Sau đó, Module Dịch vụ Châu Âu - chịu trách nhiệm cung cấp năng lượng cho Orion - đã khởi động thành công động cơ chính của nó trong hơn ba phút để đưa con tàu về nhà.
Đây là lần điều động quan trọng cuối cùng của sứ mệnh. Giờ đây, tàu Orion sẽ chỉ điều chỉnh hướng đi một chút cho đến khi nó hạ cánh xuống Thái Bình Dương ở ngoài khơi San Diego, dự kiến vào lúc 9h40 ngày 11/12 theo giờ địa phương. Sau đó, nó sẽ được thu hồi và cẩu lên một con tàu của Hải quân Mỹ.
(Video: AFP).
Nhiệm vụ Artemis 1 bắt đầu khởi hành tới quỹ đạo Mặt trăng vào ngày 16/11 từ Trung tâm Vũ trụ Kennedy ở Florida, Mỹ. Hành trình kéo dài 25 ngày rưỡi.
Một tuần trước, Orion đã phá kỷ lục bay xa nhất từ Trái đất so với bất kỳ tàu vũ trụ nào từng được con người phóng lên Mặt trăng. Con tàu đã bay xa hơn 64.374km phía sau phần tối của thiên thể, cách bề mặt hành tinh xanh 434.523km.
Việc quay trở lại bầu khí quyển Trái đất sẽ là một bài kiểm tra khắc nghiệt đối với tấm chắn nhiệt của tàu vũ trụ. Tấm chắn này sẽ phải chịu được nhiệt độ khoảng 2.800°C, hay khoảng một nửa nhiệt độ bề mặt của Mặt trời.
Theo chương trình Artemis, Mỹ đang tìm cách xây dựng sự hiện diện lâu dài trên Mặt trăng để chuẩn bị cho hành trình tiếp theo tới sao Hỏa. Nếu nhiệm vụ Artemis 1 diễn ra suôn sẻ, Artemis 2 sẽ đưa phi hành gia bay vòng quanh Mặt trăng vào năm 2024 và Artemis 3 sẽ chở phi hành đoàn hạ cánh xuống cực nam của Mặt trăng sau đó một năm.