Phát hiện loài khủng long giống chim cánh cụt lai ngỗng

  •  
  • 230

Bộ xương hóa thạch gần như hoàn chỉnh hé lộ khủng long Natovenator polydontus có cơ thể thuôn dài, giúp chúng dễ dàng di chuyển trong nước.

Các nhà khoa học phát hiện loài khủng long giống như lai giữa chim cánh cụt và ngỗng với số lượng răng rất lớn ở hệ tầng Baruungoyot, sa mạc Gobi, phía nam Mông Cổ. Bộ xương hóa thạch gần như hoàn chỉnh được nhóm nghiên cứu của giáo sư Yuong-Nam Lee, nhà cổ sinh vật tại Đại học Quốc gia Seoul, khai quật vào năm 2008. Nghiên cứu mới xuất bản trên tạp chí Communications Biology hôm 1/12.

Minh họa cách khủng long Natovenator polydontus bơi và lặn.
Minh họa cách khủng long Natovenator polydontus bơi và lặn. (Ảnh: Yusik Choi)

Bộ xương hóa thạch - gồm hộp sọ, cột sống, một chi trước và hai chi sau - thuộc về loài khủng long sống vào cuối kỷ Phấn trắng, khoảng 66 - 145 triệu năm trước. Lee cho biết, mẫu vật được bảo tồn đặc biệt tốt. Các nhà khoa học đặt tên cho loài vật mới là Natovenator polydontus, nghĩa là "thợ săn bơi lội có nhiều răng".

Natovenator polydontus trông rất giống các loài chim lặn ngày nay, ví dụ chim cánh cụt. Tuy nhiên, chúng lại là loài bò sát chứ không phải chim. Chúng thuộc nhóm khủng long chân thú - những kẻ ăn thịt đi bằng hai chân. Khủng long bạo chúa T-rex cũng thuộc nhóm này.

Đáng chú ý, đây là khủng long chân thú đầu tiên được phát hiện có cơ thể thuôn dài. Như vậy, chúng vừa có thể đi bộ trên cạn, vừa di chuyển dễ dàng trong nước. Hình dạng cơ thể này giúp nhóm chuyên gia hiểu thêm nhiều điều về cách sống và săn mồi của chúng.

Dựa trên hình dạng và sự tương đồng của Natovenator polydontus với các loài chim lặn hiện đại, nhóm nghiên cứu tin rằng chúng là động vật săn mồi bán thủy sinh. "Việc phát hiện khủng long bán thủy sinh cho thấy sự đa dạng sinh thái của khủng long rất cao. Điều này có thể làm thay đổi định kiến về lối sống của khủng long", Lee nói.

Loài khủng long mới phát hiện có xương sườn hướng về phía đuôi và chiếc cổ dài tương tự ngỗng hiện đại. Hai đặc điểm này sẽ cho phép chúng lao nhanh xuống nước, vươn cổ lên để bắt mồi.

Hệ tầng Baruungoyot cấu tạo chủ yếu từ trầm tích lòng sông. Dựa vào đó, các nhà khoa học xác định rằng loài vật mới phát hiện sống trong môi trường nước ngọt thay vì gần biển.

Chúng cũng có số lượng răng cao bất thường so với hàm. Điều này cho thấy chúng có thể ăn cá. Động vật ăn cá thường sở hữu những chiếc răng nhỏ, nhọn, để kẹp và giữ cá trước khi nuốt. Tuy nhiên, cũng có thể chúng ăn côn trùng. Các nhà cổ sinh vật sẽ phải phân tích một số hóa thạch sót lại trong dạ dày để hiểu thêm về chế độ ăn.

Bộ xương hóa thạch gần như hoàn chỉnh của Natovenator polydontus có thể cung cấp thêm thông tin về sự tiến hóa của nhóm khủng long chân thú. "Cơ thể thuôn dài mang lại lợi thế thủy động lực học khi bơi, hình thái xương sườn đặc biệt cũng cho thấy chúng giỏi bơi lội. Điều này cung cấp bằng chứng thuyết phục đầu tiên về cơ thể mang tính động lực học ở một loài khủng long chân thú không phải chim", nhóm nghiên cứu viết.

"Phát hiện mới cũng cho thấy các loài khủng long chân thú không phải chim có hình dáng cơ thể đa dạng. Ngoài ra, Natovenator polydontus giúp chúng tôi hiểu rõ hơn cấu trúc cơ thể của chi khủng long Halszkaraptorines vì chúng có nhiều đặc điểm chung", nhóm nghiên cứu bổ sung.

Cập nhật: 03/12/2022 VnExpress
  • 230