Khi Tom Cruise được đưa lên Trạm Vũ trụ Quốc tế để thực hiện bộ phim ngoài không gian đầu tiên từ độ cao hơn 400km so với Trái đất thì khoảng cách giữa những chuyện khoa học viễn tưởng và thực tế sẽ ngày càng được rút ngắn.
Colin Burgess, tác giả cuốn sách nổi tiếng "Cuộc phiêu lưu vĩ đại nhất: Lịch sử thám hiểm không gian của loài người" đã từng nói rằng: "Kể từ khi tổ tiên của loài người lần đầu đặt chân trên Trái đất, họ đã bị mê hoặc bởi vẻ đẹp của những Mặt trời, Mặt trăng đầy bí ẩn trên kia". Nhưng "chạm tới những vì sao" vẫn là giấc mơ đầy xa vời lúc bấy giờ.
Hiện thực hóa giấc mơ
Dấu mốc quan trọng trong hành trình khám phá không gian chính là ngày 20/07/1969 khi Neil Armstrong đặt những bước chân đầu tiên lên Mặt trăng, hoàn thành sứ mệnh của chuyến bay Apollo 11. Nhưng điều này đã được những tác giả như Jules Verne tưởng tượng ra từ trước đó rất lâu. Hình ảnh những phi hành gia bay lên Mặt trăng bằng một con tàu vũ trụ bằng nhôm ở Florida đã xuất hiện nhiều lần trong các tác phẩm của Verne.
Neil Armstrong lần đầu đặt chân lên Mặt trăng năm 1969. (Nguồn: Quartz)
Hay năm 1956, bộ phim tài liệu "The Forbidden Planet" (Hành tinh cấm) lấy bối cảnh ngoài không gian cũng được phát hành. Một năm sau đó, kỷ nguyên không gian vũ trụ chính thức bắt đầu khi ngày 04/10/1957, Liên Xô đưa Sputnik 1, vệ tinh nhân tạo đầu tiên, lên quỹ đạo.
Hai năm sau, Mỹ thành lập nhóm Mercury Seven gồm 7 phi hành gia được đào tạo chuyên nghiệp. Vào năm 1961, Liên Xô phóng tàu Vostok 1 đưa Yuri Gagarin trở thành người đầu tiên bay vào quỹ đạo. Ngay sau đó, NASA cũng đưa phi hành gia Alan Shepherd lên vũ trụ.
Từ Trái đất đến Mặt trăng và xa hơn
Vào thời điểm loạt phim đình đám "Star Trek" làm mưa làm gió những năm 1966, kỷ nguyên không gian vũ trụ mới chỉ giới hạn ở Mặt trăng. Sau sự thành công của tàu Apollo 11, mối quan tâm của công chúng về hành trình khám phá không gian cũng dần suy giảm.
Ngân sách của NASA lúc bấy giờ cũng bị cắt giảm. Nhưng vẫn còn đó mối liên kết với những hành tinh khổng lồ như sao Mộc, sao Thổ, sao Thiên Vương và sao Hải Vương. Và liên tiếp hai vụ phóng tàu Voyager 1 và Voyager 2 được diễn ra để tiếp tục sứ mệnh khám phá Hệ Mặt trời.
Hình ảnh tàu thăm dò Voyager 2 ngoài không gian. (Nguồn: Pixels).
Kỷ nguyên "sớm nở chóng tàn" của tàu con thoi
Vụ phóng tàu con thoi năm 1981 của NASA đã khơi dậy lại mối quan tâm của công chúng với hành trình khám phá không gian. Nhưng sau sự cố mất tích của 14 phi hành gia vào năm 1986 và 2003 cùng chi phí khổng lồ, sự suy tàn của tàu con thoi là không thể tránh khỏi.
Thay vào đó, NASA đã nảy ra một ý tưởng khi phát triển ngành công nghiệp vũ trụ tư nhân với tính cạnh tranh cao. Sau một thập kỷ tài trợ cho các chuyến bay thử nghiệm, Chương trình Phi hành đoàn Thương mại của NASA cuối cùng cũng đã thành công vào mùa hè năm 2020 khi tàu vũ trụ SpaceX của tỷ phú Elon Musk chính thức đưa hai phi hành gia NASA lên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS).
Sau đó, tên lửa Falcon 9 cũng đã phóng vệ tinh và tàu vũ trụ lên trên quỹ đạo rồi quay trở lại bệ phóng. Đó là cơ sở để người đứng đầu SpaceX nói về cuộc sống trên sao Hỏa như những gì diễn ra trong bộ phim "The Martian".
SpaceX đã đưa thành công hai phi hành gia của NASA lên ISS. (Nguồn: SpaceX)
Một thời đại mới của du lịch không gian
SpaceX hiện đang trong quá trình hợp tác với NASA để đưa người phụ nữ đầu tiên và người da màu đầu tiên lên Mặt trăng vào năm 2024.
Trong khi đó hai tỷ phú là Jeff Bezos và Richard Branson đều đã thực hiện thành công một chuyến du hành dưới quỹ đạo và bắt đầu cho một kỷ nguyên du hành vũ trụ mới. Những đại gia hàng đầu thế giới đang tham gia vào một cuộc chạy đua mới, đó là nỗ lực thương mại hóa những hành trình du lịch "siêu tưởng" ngoài không gian trong một vài thập kỷ tới.
Cuộc chạy đua thương mại hóa du lịch vũ trụ đang bắt đầu. (Nguồn: Axios).
Và khi Tom Cruise được đưa lên Trạm Vũ trụ Quốc tế trên tàu SpaceX của tỉ phú Elon Musk vào cuối năm nay để thực hiện bộ phim ngoài không gian đầu tiên từ độ cao hơn 400km so với Trái đất, thì khoảng cách giữa những câu chuyện khoa học viễn tưởng và thực tế sẽ ngày càng được rút ngắn lại.