Thị trấn Grindavik (Iceland) đang phải đối mặt với tình hình đáng lo ngại. Các vết nứt trên mặt đất từ vụ phun trào núi lửa có thể dẫn đến sự sụp đổ địa chất.
Ngày 14/1, một vụ phun trào núi lửa đã làm rung chuyển bán đảo Reykjanes. Theo Văn phòng Khí tượng Iceland (IMO), mặt đất ở khu vực này hiện đầy các vết nứt.
Mặc dù vụ phun trào đã kết thúc, nhưng nguy hiểm vẫn hiện hữu đến từ các mối đe dọa trong lòng đất dưới thị trấn.
Vụ phun trào núi lửa đã đánh thức một mảng đứt gãy chạy ngầm dưới lòng đất sau hơn 800 năm. (Ảnh: Science post).
Đại diện IMO nhấn mạnh, mặc dù mức độ rủi ro đã giảm nhưng các vết nứt vẫn là mối lo ngại lớn. Hiện tại, chuyển động của khe nứt ít có khả năng xảy ra hơn khi vụ phun trào đã tạm kết thúc.
Tuy nhiên, các chuyên gia đang đánh giá nguy cơ xuất hiện các vết nứt mới hoặc các vết nứt hiện có đang mở rộng.
Dữ liệu GPS cho thấy, có rất ít chuyển động được phát hiện ở thị trấn Grindavik trong những ngày gần đây, cho thấy rủi ro đã thấp hơn trước.
Phó Giáo sư về núi lửa, Carmen Solana, Đại học Portsmouth (Vương quốc Anh), cho biết khu vực này vẫn còn rất nguy hiểm.
Mặc dù các chuyên gia không chắc chắn một vụ phun trào khác sẽ đến từ đâu, Carmen Solana tin rằng các dấu hiệu hiện tại cho thấy nó vẫn có khả năng xảy ra.
"Thực tế là mặt đất sẽ phải xẹp xuống sau các vụ phun trào núi lửa. Xét đến khối lượng magma được đưa lên bề mặt tại bán đảo Reykjavik, cho thấy rất có khả năng magma ngầm vẫn đang phun trào", Solana giải thích.
Sự kiện phun trào núi lửa ở thị trấn Grindavik là lời nhắc nhở về sức mạnh và sự khó lường của các lực tự nhiên. Đồng thời, nó nhấn mạnh tính cần thiết của các quốc gia cần theo dõi liên tục và phản ứng nhanh chóng trước các dấu hiệu, cảnh báo về phun trào núi lửa.
Ngày 14/1, một vụ phun trào núi lửa đã xảy ra gần cảng cá Grindavik, thuộc bán đảo Reykjavik (Iceland), khiến nhiều ngôi nhà bị nhấn chìm trong dòng dung nham (magma) nóng chảy.
Hiện đã không còn dấu hiệu dòng dung nham phun trào từ mặt đất, song các chuyên gia cảnh báo rằng mối nguy hiểm từ núi lửa vẫn còn hiện hữu, thậm chí có thể khiến tình hình khu vực trở nên nguy hiểm hơn.
Theo Patrick Allard, nhà nghiên cứu từ Viện Physique du Globe de Paris, Pháp, vụ phun trào núi lửa đã đánh thức một mảng đứt gãy chạy ngầm dưới lòng đất sau hơn 800 năm.
"Sau 8 thế kỷ gián đoạn và ngừng hoàn toàn hoạt động ở lớp bề mặt, chúng ta đã bước vào một giai đoạn phân tách mảng đứt gãy mới, có thể kéo dài vài năm, hoặc hàng thập kỷ", chuyên gia này cho biết.